Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Việt Nam - địa điểm đầu tư hấp dẫn

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng nay (4/11), Diễn đàn hợp tác kinh tế giữa Việt Nam với các đối tác Trung...

Kinhtedothi - Sáng nay (4/11), Diễn đàn hợp tác kinh tế giữa Việt Nam với các đối tác Trung Đông-Bắc Phi khai mạc tại Hà Nội, do Bộ Ngoại giao Việt Nam phối hợp với các Bộ, Ngành liên quan tổ chức. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tham dự và có bài phát quan trọng tại Diễn đàn.

Tham dự diễn đàn có đại diện của 15 nước đến từ Trung Đông – Bắc Phi, đại diện các đại sứ quán, đại diện của các tổ chức quốc tế, Ngân hàng Thế giới và các doanh nghiệp…

Việt Nam - địa điểm đầu tư hấp dẫn - Ảnh 1
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại Diễn đàn.

Phát biểu tại Diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thay mặt Chính phủ và nhân dân Việt Nam nhiệt liệt chào mừng các vị Trưởng đoàn, các vị Bộ trưởng, Đại sứ và các đại biểu đã đến dự Diễn đàn.

Thủ tướng cho rằng: “Diễn đàn thể hiện sự quan tâm sâu sắc và quyết tâm mạnh mẽ của tất cả chúng ta nhằm tăng cường hơn nữa quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và các nước Trung Đông - Bắc Phi, vì mục tiêu chung là hòa bình, hợp tác và phát triển”.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Việt Nam và các nước Trung Đông – Bắc Phi có thể cùng nhau vượt qua thách thức, chủ động tạo lập và tận dụng mọi cơ hội tăng cường hợp tác vì sự phát triển phồn vinh của đất nước mình, cũng như đóng góp vào sự phục hồi của nền kinh tế thế giới. Bên cạnh quan hệ chính trị tốt đẹp, Việt Nam và các nước Trung Đông - Bắc Phi có những lợi thế và tiềm năng to lớn có thể bổ trợ cho nhau để hợp tác cùng phát triển. Sau gần 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới và mở cửa, Việt Nam đã trở thành một nước đang phát triển có thu nhập trung bình và đang vững bước đi lên trên con đường công nghiệp hóa và hiện đại hóa của đất nước.

Việt Nam - địa điểm đầu tư hấp dẫn - Ảnh 2
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chụp ảnh lưu niệm với các đại biểu tham dự Diễn đàn.

Việt Nam đang là địa điểm đầu tư hấp dẫn với môi trường chính trị - xã hội ổn định, có thị trường tiềm năng và nguồn nhân công dồi dào có kỹ năng lại nằm trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương đang phát triển năng động và là một động lực tăng trưởng của kinh tế thế giới.

Các nước Trung Đông - Bắc Phi có vị trí địa chiến lược, địa kinh tế quan trọng, là nơi kết nối của ba châu lục Á - Âu - Phi, có nguồn vốn dồi dào và nguồn tài nguyên phong phú với trữ lượng về dầu mỏ và khí đốt hàng đầu thế giới.

Với phương châm “là Bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”, Việt Nam luôn chú trọng thúc đẩy quan hệ hợp tác nhiều mặt với các nước Trung Đông - Bắc Phi. Hiện nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với tất cả các quốc gia trong khu vực Trung Đông - Bắc Phi; Việt Nam có 12 cơ quan đại diện ngoại giao tại các nước Trung Đông - Bắc Phi và 15 nước trong khu vực Trung Đông đã mở cơ quan đại diện tại Việt Nam. Quan hệ hợp tác ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả”.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Diễn đàn tập trung thảo luận về những nội dung lớn sau:

Một là, cung cấp thông tin về những lĩnh vực ưu tiên đầu tư, kinh doanh của mỗi nước; kinh nghiệm tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh ngày càng hấp dẫn, có tính cạnh tranh cao để tạo thuận lợi tốt nhất cho doanh nghiệp của chúng ta đầu tư, kinh doanh thành công vào thị trường của nhau.

Đề xuất các sáng kiến và biện pháp cụ thể, nâng cao hiệu quả thực chất của các cơ chế hợp tác để Chính phủ Việt Nam và Chính phủ các nước Trung Đông – Bắc Phi hỗ trợ hiệu quả hơn nữa các doanh nghiệp, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong các hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp.

Hai là, thảo luận tìm ra các biện pháp thúc đẩy và mở rộng quan hệ hợp tác trên những lĩnh vực mà mỗi bên có thế mạnh, nhất là thương mại, năng lượng, khai khoáng và phát triển cơ sở hạ tầng; xây dựng và ký kết các hiệp định, thỏa thuận nhằm tạo hành lang pháp lý ổn định, lâu dài cho quan hệ hợp tác trong các lĩnh vực này.

Ba là, xây dựng các định hướng, biện pháp để nâng cao và cải thiện hơn nữa hiệu quả hoạt động trong các lĩnh vực như nông nghiệp, lao động, giáo dục – đào tạo, y tế, văn hóa và du lịch.

Kết thúc bài phát biểu, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: “Tôi tin tưởng Diễn đàn hợp tác kinh tế giữa Việt Nam với các đối tác Trung Đông - Bắc Phi hôm nay sẽ là khởi đầu của giai đoạn hợp tác ở tầm cao mới trong quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam với các đối tác Trung Đông - Bắc Phi”.

Việt Nam - địa điểm đầu tư hấp dẫn - Ảnh 3
Các đại biểu tham dự Diễn đàn

Phát biểu chào mừng Diễn đàn, ngài Mohamet Apbu, Bộ trưởng Đặc trách Thương mại quốc tế, Bộ Công thương, Đầu tư và Kinh tế Morocco, đại diện các đoàn đại biểu các nước Trung Đông – Bắc Phi khẳng định: “Diễn đàn này có ý nghĩa to lớn vì đó là cơ hội để thảo luận các vấn đề có ý nghĩa đối với tương lai phát triển kinh tế - xã hội của các nước chúng ta trong thời gian trước mắt cũng như lâu dài. Đồng thời, chúng ta cũng trao đổi việc tìm kiếm cơ hội mới nhằm thành lập đối tác toàn diện giữa các nước chúng ta”.

Sau lễ khai mạc là Phiên tổng quan về môi trường đầu tư và kinh doanh dưới sự chủ tọa của ông Nguyễn Văn Trung, Thứ trưởng Bộ KHĐT; bà Nguyễn Phương Nga, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao và ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI.

Bên lề diễn đàn có nhiều hoạt động tiếp xúc giữa các bộ ngành, doanh nghiệp địa phương Việt Nam với các đối tác Trung Đông- Bắc Phi. Ban tổ chức cũng dành không gian để đại diện Đại sứ quán các nước tham dự, doanh nghiệp Việt Nam và Trung Đông –Bắc Phi triển lãm, quảng bá hình ảnh đất nước, giới thiệu sản phẩm dịch vụ, cơ hội hợp tác kinh doanh đầu tư.

Trong 10 năm qua, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và khu vực Trung Đông – Bắc Phi tăng 878%, từ 889 triệu USD (2002) lên 7,4  tỷ USD (2012), trong đó kim ngạch với một số đối tác đã vượt ngưỡng 1 tỷ USD/năm.

Nhiều doanh nghiệp của Trung Đông – Bắc Phi đang tích cực tham gia đầu tư vào nhiều dự án tại Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực dầu khí, cảng biển, công nghiệp và bất động sản...

Một số doanh nghiệp Việt Nam cũng đã triển khai các dự án đầu tư trong khu vực Trung  Đông – Bắc Phi, trong đó đáng chú ý có dự án thăm dò và khai thác dầu khí của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam tại Algeria.

Hiện Việt Nam đang có khoảng 26.000 lao động làm việc tại các nước trong khu vực Trung Đông – Bắc Phi.