Tại Diễn đàn đầu tư Việt Nam 2014 (VIF2014) diễn ra ngày 19/6 tại TPHCM, các chuyên gia kinh tế và nhà đầu tư trong và ngoài nước đều cho rằng, trong sự trỗi dậy của các thị trường mới nổi, Việt Nam vẫn là “đích ngắm” của dòng vốn đầu tư quốc tế.
Đánh giá về tiềm năng phát triển của thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam, TS Marc Faber, một chiến lược gia tài chính nổi tiếng được biết đến như một trong những nhà đầu tư “huyền thoại” dự đoán, đầu tư nước ngoài trên TTCK Việt Nam có xu hướng tiếp tục tăng trong những năm tiếp theo; đầu tư dài hạn tốt nhất trong năm 2014 là chứng khoán Việt Nam.
Ông Don Lam, Tổng Giám đốc Vina Capital cho rằng, Việt Nam là đích ngắm của dòng vốn đầu tư quốc tế, bởi TTCK Việt Nam vẫn rất khả quan. Giá trị thị trường đã tăng lên, nhưng vẫn thấp hơn 32% so với các thị trường mới nổi khác trong khu vực ASEAN. Chỉ số P/E đạt 13,2x vào ngày 30/5/2014 và vẫn rất hấp dẫn so với tỷ lệ P/E trung bình 18,8x của các thị trường mới nổi khác cùng khu vực như Thái Lan, Philippines, Indonesia, Malaysia.
Bên cạnh đó, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam được cải thiện, nhất là trong ngành sản xuất. Hoạt động kinh tế trong tháng 5/2014 tiếp tục được mở rộng, với chỉ số sản xuất công nghiệp IPP đã tăng 5,6%, cao hơn so với mức 5,2% cùng kỳ năm ngoái. Các DN FDI tiếp tục phát triển, đóng góp 67% tổng giá trị xuất khẩu cả nước.
Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) theo báo cáo của Ngân hàng HSBC tăng lên 52,5 điểm trong tháng 5 và giữ mức trên 50 điểm trong 9 tháng liên tiếp. Điều này cho thấy lĩnh vực sản xuất tiếp tục tăng trưởng ổn định.
Cùng quan điểm trên, ông Thomas Hugger, Tổng Giám đốc Quỹ Asia Frontier Capital (AFC) cho biết: “Quỹ AFC chọn Việt Nam là điểm đến đầu tư vì chúng tôi nhìn thấy nhiều cơ hội khi thị trường và nền kinh tế đang ở đáy và không phải ở mức cao nhất như những thị trường mới nổi hoặc đã phát triển tại các nước châu Á khác”.
Bên cạnh đó, theo Tổng Giám đốc Quỹ AFC, hiện nay, môi trường kinh doanh của Việt Nam đang được cải thiện với việc hệ thống ngân hàng đang được tái cấu trúc mạnh mẽ. Cùng với đó, dự trữ ngoại hối liên tục tăng trong thời gian qua sẽ giúp ổn định tiền đồng và hỗ trợ cán cân thanh toán.
Hơn nữa, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều nỗ lực nhằm hỗ trợ phục hồi kinh tế như hạ lãi suất cho vay, giảm thuế cho các cá nhân và doanh nghiệp, đẩy mạnh tái cấu trúc DNNN.
Nhiều cơ hội cho nhà đầu tư
Ông Nguyễn Chí Dũng, Thứ trưởng Bộ KHĐT, cho biết để thúc đẩy nền kinh tế theo hướng phát triển bền vững và hiệu quả hơn, Chính phủ Việt Nam đã và đang tái cơ cấu nền kinh tế với 3 trụ cột chính là tái cơ cấu đầu tư, tái cơ cấu DNNN và hệ thống tài chính-ngân hàng.
Chính phủ đã thông qua chương trình cổ phần hóa DNNN, với mục tiêu cổ phần hóa 432 doanh nghiệp trong giai đoạn 2014-2015. Chương trình này đang mở ra cơ hội rất lớn cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia đầu tư tại Việt Nam, thông qua việc góp vốn, mua cổ phần, tham gia cổ đông chiến lược tại các DNNN.
Cơ hội đó đang được hậu thuẫn bởi chương trình cải cách thể chế, trong đó có việc trong năm nay, Quốc hội Việt Nam sẽ xem xét sửa đổi nhiều đạo luật quan trọng nhằm cải thiện môi trường pháp lý về đầu tư-kinh doanh như Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở và một số đạo luật khác.
Thứ trưởng Bộ KHĐT cũng cho biết, trên TTCK Việt Nam hiện nay có trên 17.000 tài khoản được mở bởi các nhà đầu tư cá nhân và tổ chức nước ngoài. Nhiều quỹ đầu tư, nhà đầu tư lớn trên thế giới đã đầu tư vào TTCK Việt Nam và không ngừng gia tăng đầu tư vào các DN Việt Nam.
Theo báo cáo của Bộ KHĐT, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong 5 tháng đầu năm 2014 đạt 5,51 tỷ USD, giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 4,6 tỷ USD (tăng 0,4% so với cùng kỳ 2013). Xuất khẩu của khối DN FDI chiếm 67% tổng giá trị xuất khẩu của cả nước, tăng 18,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ảnh minh họa.
|