Ngày 5/10, Ủy ban Luật pháp của Liên hợp quốc đã tiến hành phiên thảo luận hàng năm với chủ đề “Chế độ Pháp quyền ở cấp quốc gia và quốc tế” tại trụ sở của Liên hợp quốc ở New York (Mỹ). Đại sứ Lê Hoài Trung, Đại diện Thường trực của Việt Nam tại Liên hợp quốc, thay mặt các nước thành viên ASEAN, phát biểu ghi nhận những đóng góp của Liên hợp quốc trong năm qua trong việc nâng cao vai trò của luật pháp trong đời sống quốc tế và hỗ trợ thúc đẩy pháp quyền ở các nước; nhấn mạnh hợp tác trong lĩnh vực pháp quyền cần dựa trên nguyên tắc chủ quyền quốc gia, bình đẳng giữa các nước, tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình. Đại sứ Lê Hoài Trung nhấn mạnh việc thúc đẩy chế độ pháp quyền đã được khẳng định trong Hiến chương ASEAN với mục tiêu xây dựng một Cộng đồng ASEAN vào năm 2015 lấy người dân làm trung tâm, dựa trên các chuẩn mực về pháp quyền trong quan hệ giữa các quốc gia và trong quá trình hội nhập của từng quốc gia với cả khu vực. Thời gian qua, các nước thành viên ASEAN đã thúc đẩy chế độ pháp quyền ở cấp quốc gia, đồng thời ASEAN đã thông qua một loạt văn kiện liên quan đến luật pháp như Nghị định thư của Hiến chương ASEAN về Cơ chế giải quyết tranh chấp, Quy định thủ tục Giải thích Hiến chương ASEAN, Quy định về thủ tục ký kết thỏa thuận quốc tế của ASEAN. Để kiện toàn bộ máy tổ chức, ASEAN đã thành lập Ủy ban Liên chính phủ ASEAN về nhân quyền (AICHR), Ủy ban ASEAN về thúc đẩy và bảo vệ quyền của phụ nữ và trẻ em (ACWC). Đặc biệt, để tăng cường khả năng duy trì hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực, vừa qua ASEAN quyết định sẽ thành lập Viện ASEAN vì Hòa bình và Hòa giải; cùng Trung Quốc thông qua và triển khai Quy tắc Hướng dẫn thực hiện “Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông” (DOC) và bắt đầu đàm phán để xây dựng “Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông" (COC).