Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Việt Nam hội nhập toàn diện với thị trường trên 500 triệu dân

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo Tờ trình của Chủ tịch nước và Báo cáo thuyết minh của Chính phủ sáng 2/11, kiến nghị không bảo lưu bất kỳ nội dung nào của Hiệp định và áp dụng trực tiếp đối với 15 cam kết/nhóm cam kết của hiệp định CPTPP, đảm bảo đúng theo yêu cầu quy định tại khoản 1, điều 31, Luật Điều ước quốc tế.

Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh trình bày Báo cáo thuyết minh Hiệp định CPTPP tại Quốc hội. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
CPTPP được 11 nước thành viên bao gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam ký kết hồi tháng 3 vừa qua tại Chile sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận này. CPTPP tạo ra một trong những khối tự do thương mại lớn nhất thế giới với một thị trường khoảng 500 triệu dân và GDP lên tới 13.500 tỷ USD, chiếm 13,5% tổng GDP toàn cầu.
Tham gia Hiệp định, GDP của Việt Nam có khả năng tăng thêm 1,32% tính đến năm 2035, trong trường hợp đồng thời cắt giảm thuế quan và tự do hóa dịch vụ, GDP có thể tăng thêm 2,01%. Với mức độ cam kết của các nước trong CPTPP, các mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh của Việt Nam như nông, thủy sản, điện, điện tử đều được xóa bỏ thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam có thể tăng thêm 4,04% và nhập khẩu tăng thêm 3,8% vào năm 2035; tổng số việc làm tăng thêm hàng năm từ 20.000 đến 26.000 lao động.
Theo Tờ trình của Chủ tịch nước và Báo cáo thuyết minh của Chính phủ kiến nghị không bảo lưu bất kỳ nội dung nào của Hiệp định và áp dụng trực tiếp đối với 15 cam kết/nhóm cam kết của hiệp định CPTPP, đảm bảo đúng theo yêu cầu quy định tại khoản 1, điều 31, Luật Điều ước quốc tế. Điều đó có nghĩa việc tham gia CPTPP về tổng thể là có lợi cho Việt Nam song cũng đặt ra nhiều thách thức.
Về mặt thuận lợi, theo kết quả nghiên cứu chính thức được Chính phủ giao Bộ KH&ĐT thực hiện vào tháng 9 năm 2017, CPTPP có thể giúp GDP và xuất khẩu của Việt Nam tăng tương ứng là 1,32% và 4,04% đến năm 2035. Tổng kim ngạch nhập khẩu cũng có thể tăng thêm 3,8% thấp hơn tốc độ tăng xuất khẩu nên tác động tổng thể đến cán cân thương mại là thuận lợi. Ngoài ra, việc có quan hệ FTA với các nước CPTPP sẽ giúp ta có cơ hội cơ cấu lại thị trường xuất nhập khẩu theo hướng cân bằng hơn, từ đó giúp ta nâng cao tính độc lập tự chủ của nền kinh tế. Thêm vào đó, tham gia CPTPP sẽ giúp ta có cơ hội tham gia chuỗi cung ứng hình thành sau khi CPTPP có hiệu lực, là điều kiện quan trọng để nâng cao trình độ phát triển nền kinh tế, từ đó có thể tham gia vào các công đoạn sản xuất có giá trị gia tăng cao hơn.
Về thu hút đầu tư, các cam kết trong CPTPP về dịch vụ và đầu tư dự kiến sẽ có tác dụng tích cực trong việc cải thiện môi trường đầu tư, góp phần thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài.
Về mặt xã hội, tham gia CPTPP sẽ tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao thu nhập và góp phần xoá đói giảm nghèo. Theo kết quả nghiên cứu của Bộ KH&ĐT, CPTPP có thể giúp tổng số việc làm tăng bình quân mỗi năm khoảng 20.000 - 26.000. Về xóa đói giảm nghèo, theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới, đến năm 2030, CPTPP dự kiến sẽ giúp giảm 0,6 triệu người nghèo ở mức chuẩn nghèo 5,5 đô-la Mỹ/ngày.
Sửa 8 luật cho phù hợp
Song tham gia CPTPP cũng đặt ra nhiều thách thức. “Tham gia CPTPP là cơ hội để ta tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật kinh tế, trong đó có thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hỗ trợ cho tiến trình đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế, đồng thời giúp ta có thêm cơ hội hoàn thiện môi trường kinh doanh theo hướng thông thoáng, minh bạch và dễ dự đoán hơn, tiệm cận các chuẩn mực quốc tế tiên tiến, từ đó thúc đẩy cả đầu tư trong nước lẫn đầu tư nước ngoài”- báo cáo thẩm tra của Ủy ban Đối ngoại Quốc hội chỉ ra.
Hiệp định CPTPP tạo thuận lợi thương mại, đầu tư, thương mại dịch vụ xuyên biên giới... (Ảnh minh họa: KT)
Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội đánh giá: Hiệp định CPTPP có tác động toàn diện đối với kinh tế - xã hội nhưng báo cáo của Chính phủ mới chỉ đánh giá tác động ở mức độ định tính, chưa định lượng mức độ ảnh hưởng đến ngành, lĩnh vực, DN, người dân, thu ngân sách… cũng như chưa dự kiến các chính sách để hỗ trợ các chủ thể bị tổn thất, rủi ro phát sinh khi Hiệp định có hiệu lực.
Có ý kiến băn khoăn về chênh lệch trình độ phát triển kinh tế nước ta với các nước thành viên của Hiệp định còn khá lớn và cho rằng mặc dù Hiệp định mang lại nhiều cơ hội, nhưng đi cùng theo đó là những rủi ro và thách thức đối với các lĩnh vực thương mại, dịch vụ, đầu tư, nông nghiệp, thu ngân sách, sở hữu trí tuệ, lao động, an toàn thông tin. Do vậy, Chính phủ cần kiểm soát chặt chẽ những rủi ro, thách thức, có các phương án chủ động ứng phó, hạn chế tối đa những tác động tiêu cực trong quá trình triển khai thực hiện.
Theo Chính phủ, để thực thi cam kết trong CPTPP, ta sẽ phải điều chỉnh, sửa đổi một số quy định pháp luật về thương mại, hải quan, sở hữu trí tuệ, lao động... Sức ép thay đổi hệ thống pháp luật để tuân thủ những chuẩn mực mới của Hiệp định. Với sự chuẩn bị nghiêm túc và nỗ lực cao, ta có thể thực hiện thành công khối lượng công việc này, nhất là khi ta được quyền thực hiện theo lộ trình.
Hiệp định CPTPP không quy định bắt buộc các nước thành viên phải hoàn tất việc hoàn thiện pháp luật quốc gia trước khi phê chuẩn. Tuy vậy, các quốc gia đều phải tiến hành rà soát trước khi phê chuẩn nhằm đảm bảo không xung đột pháp luật nước mình với các nội dung cam kết, tránh rủi ro về pháp lý và những tranh chấp có thể xảy ra.
Theo báo cáo thuyết minh, Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành rà soát 265 văn bản quy phạm pháp luật ở cấp trung ương và kiến nghị sửa đổi, bổ sung phù hợp với các cam kết trong Hiệp định CPTPP gồm 8 luật: Một số điều của Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Lao động, Luật Phòng chống tham nhũng, Luật An toàn thực phẩm, Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ và Luật Tố cáo; kiến nghị áp dụng trực tiếp 15 cam kết/ nhóm cam kết; kiến nghị gia nhập 3 điều ước quốc tế.
Ủy ban Đối ngoại cho rằng, đối với một số cam kết có liên quan Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật An toàn thực phẩm, các cam kết này phải áp dụng ngay khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực. Do vậy, Chính phủ khẩn trương đề xuất sửa đổi, bổ sung các điều liên quan của các đạo luật này.
Ủy ban Đối ngoại nhất trí đề xuất của Chính phủ về khả năng ban hành một luật để sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật: Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật An toàn thực phẩm cho phù hợp các cam kết theo Hiệp định CPTPP và trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 tháng 5/2019. Đồng thời, sửa đổi, bổ sung, ban hành một số Nghị định, Quyết định thuộc thẩm quyền của Chính phủ; chỉ đạo rà soát các văn bản pháp quy do địa phương ban hành để sửa đổi, bổ sung phù hợp với các nội dung cam kết.
Riêng Luật Phòng chống tham nhũng, cần rà soát sửa đổi, bổ sung thêm những nội dung để phù hợp với cam kết của Hiệp định, trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV theo Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2018.
Đối với Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Lao động cần phải sửa đổi, bổ sung trong khoảng thời gian 3 - 7 năm kể từ ngày Hiệp định có hiệu lực nhưng các nội dung sửa đổi, bổ sung phức tạp, nhạy cảm cần nhiều thời gian để tiến hành theo quy trình, Chính phủ cần khẩn trương triển khai để đảm bảo trình Quốc hội thông qua trước khi hết thời gian bảo lưu.