Việt Nam khi mở cửa trở lại: Mô hình kinh tế chữ V

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong khi hầu hết các nhà kinh tế dự đoán, nhiều quốc gia có thể phải chịu mức tăng trưởng GDP âm, tới - 6% hoặc cao hơn trong năm nay nhưng kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng 3,5 - 4% trong năm 2020 và thậm chí có thể cao hơn nữa, tùy thuộc vào hiệu quả của các biện pháp hỗ trợ tăng trưởng của Chính phủ.

 Khách hàng giao dịch tại TPBank. Ảnh: Việt Linh

Vừa chống dịch vừa bảo đảm kinh tế 
Tuần này, nhiều quốc gia trên thế giới bắt đầu có kế hoạch mở cửa trở lại sau các biện pháp phong tỏa nhằm đối phó dịch Covid-19, với hy vọng qua được giai đoạn tồi tệ nhất của làn sóng dịch đầu tiên. Mặc dù vậy, Ủy ban châu Âu (EC) khuyên các nước thành viên hành động từng bước một, nới lỏng các hạn chế theo giai đoạn và duy trì một khoảng thời gian giữa mỗi hành động để đánh giá tác động. Còn với Việt Nam, nhiều tổ chức như Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), VinaCapital, Fitch… và chuyên gia kinh tế đánh giá, việc mở cửa lại kinh tế của Việt Nam nhiều khả năng sẽ diễn ra khá suôn sẻ.
Để kích thích kinh tế, đề nghị thành lập ngay Ban chỉ đạo và Tổ công tác Tái khởi động nền kinh tế và phục hồi DN của Chính phủ do Thủ tướng là “Tư lệnh mặt trận”-Trưởng ban chỉ đạo. Trong điều kiện chưa thể phục hồi thị trường quốc tế do nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh còn diễn biến phức tạp ở nhiều nơi, thì mở cửa thị trường nội địa sẽ là cứu cánh cho DN và gói kích thích kinh tế lớn nhất, có hiệu quả nhất lúc này.
Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc
Lý do ngay từ khi dịch bệnh bắt đầu bùng phát, Việt Nam đã chủ động, tích cực, hành động nhanh chóng, dẫn dắt và điều phối các nỗ lực chung của ASEAN cũng như hợp tác với các đối tác kiểm soát, ngăn chặn lây lan. Đồng thời giảm thiểu tác động kinh tế - xã hội của dịch bệnh.
Kế hoạch mở cửa lại kinh tế sẽ không gặp trở ngại nhiều khi trong thời gian dịch xảy ra, không chỉ các siêu thị mà các chợ dân sinh vẫn được phép hoạt động, người dân vẫn được mua sắm. Một loạt các hoạt động kinh tế vẫn được tiếp diễn như nhà máy, cơ sở sản xuất; công trình giao thông; cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu, ngân hàng, kho bạc, công chứng, chứng khoán, bưu chính, viễn thông…
Đánh giá việc mở cửa lại các ngành kinh tế là cần thiết, TS Trần Du Lịch đề xuất: “Các cửa hàng ăn uống có thể được mở cửa, bán tại chỗ nhưng giới hạn lượng khách không quá 20 - 30 người/quán. Đơn cử trước đây được mở 10 bàn thì bây giờ chỉ cho phép phục vụ 5 bàn thôi, mỗi bàn cách nhau cự ly 2m... Tương tự, một phần vận tải đô thị như xe buýt, xe khách, bến phà cũng có thể hoạt động lại ngay sau thời gian cách ly xã hội nhưng tuyệt đối chấp hành các quy định hạn chế số lượng hành khách, mọi người bắt buộc đeo khẩu trang và thường xuyên xịt khuẩn phương tiện…”.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cũng nhấn mạnh, khi mở cửa kinh tế, sẽ phải có phân vùng và phân ngành đánh giá để đưa ra quyết định khi nào thì cho phép hoạt động trở lại và ở khu vực nào. Mở cửa nhưng không mở toang, vấn đề phòng chống dịch bệnh vẫn phải là ưu tiên hàng đầu. 
Đón lõng phục hồi 
McKinsey dự báo, theo một kịch bản có xác suất xảy ra cao nhất 60 - 70%, khi đại dịch được kiểm soát trong khoảng quý III/2020, tăng trưởng kinh tế toàn cầu phục hồi chậm theo hình chữ U nhưng kinh tế Việt Nam phục hồi nhanh. Sự phục hồi ít nhất từ đầu quý III/2020, với tốc độ giữa hình chữ U và chữ V.
Dựa trên phân tích lịch sử, diễn biến dịch bệnh và khả năng ứng phó, với các biện pháp kích thích và cải cách trong năm 2020, nhiều chuyên gia cho rằng, xác suất xảy ra cao nhất cho kinh tế Việt Nam là “mô hình chữ V”: Dịch kết thúc trong quý II/2020; Chính phủ đang cho thấy quyết tâm thúc đẩy tăng trưởng với các giải pháp hợp lý. Các biện pháp kích thích kinh tế mang lại hiệu quả tốt; cải cách thể chế mạnh mẽ trong năm 2020; các bộ ngành, địa phương đang nỗ lực vào cuộc.
TS Lê Xuân Nghĩa chia sẻ và dự đoán, sẽ có một sự bùng nổ về nhu cầu tiêu dùng sau dịch bệnh, từ du lịch, ẩm thực, mua sắm kể cả dưỡng sinh, chăm sóc sức khỏe... Vấn đề làm thế nào để chúng ta đón lõng được điều đó? "Trong phiên họp gần đây nhất của Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia do Thủ tướng chủ trì, chúng tôi có ý kiến: Phải nhìn nhận kiểm soát dịch bệnh là biện pháp tăng trưởng kinh tế số một. Khi chúng ta kiểm soát được dịch bệnh sẽ giữ được uy tín của quốc gia. Hàng hóa xuất khẩu không bị ghê sợ vì họ biết chúng ta đã kiểm soát được dịch bệnh”- ông Nghĩa nói.
Bằng chứng là chúng ta vẫn xuất khẩu tốt trong bối cảnh dịch dã. Phần lớn các sản phẩm tiêu dùng sản xuất ở Việt Nam là hàng hóa thứ cấp được xuất khẩu sang Mỹ và châu Âu và được bán cho người tiêu dùng trong các chuỗi siêu thị giá rẻ như Walmart ở Mỹ và Carrefour ở châu Âu.
Theo đánh giá của Tổng cục Du lịch, chắc chắn sau thời kỳ suy giảm trầm trọng về khách du lịch do dịch bệnh, sẽ có một giai đoạn trì trệ và hoạt động cầm chừng. Nhưng sau đó sẽ là giai đoạn bùng nổ khách du lịch quay trở lại Việt Nam. “Một tín hiệu đáng mừng là Bộ Y tế và Dịch vụ nhân sinh, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh của Mỹ (CDC) đã quyết định đưa Việt Nam ra khỏi danh sách các điểm đến có khả năng lây lan Covid-19 ra cộng đồng. Đây là tiền đề quan trọng để Việt Nam tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp kích cầu, thu hút du khách đến với Việt Nam” - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sun Group Đặng Minh Trường cho hay.