Tại buổi gặp mặt, Tổng Bí thư đề nghị các doanh nghiệp hai nước tăng cường hợp tác, chủ động đề xuất các lĩnh vực kết nối mới bên cạnh các lĩnh vực truyền thống, xác định các lĩnh vực có tiềm năng để triển khai thêm dự án lớn có tính biểu tượng như Khu công nghiệp liên doanh Việt Nam - Singapore (VSIP).
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gặp gỡ với đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp và một số doanh nghiệp tiêu biểu của Singapore. Ảnh: TTXVN
Tổng Bí thư cũng chỉ rõ những lĩnh vực mà hai bên có tiềm năng và cần tiếp tục được khai thác như công nghiệp phụ trợ, công nghệ cao, quản lý đất đai, đô thị, môi trường, hợp tác dầu khí, dịch vụ dầu khí, ứng phó biến đổi khí hậu, vận tải biển... và cam kết Việt Nam luôn hoan nghênh và sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có các doanh nghiệp Singapore, hợp tác, làm ăn lâu dài ở Việt Nam.
Cùng ngày, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến thăm trường Chính sách công Lý Quang Diệu và có bài phát biểu quan trọng với chủ đề "Vì một Đông Nam Á hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển."
Theo Tổng Bí thư, trong bối cảnh quốc tế hiện nay, việc xây dựng một Cộng đồng ASEAN đoàn kết và vững mạnh có ý nghĩa quan trọng hơn bao giờ hết, tiến tới một Đông Nam Á hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển phồn vinh. Về những diễn biến gần đây ở Biển Đông, Tổng Bí thư nêu rõ: Việt Nam cam kết thực hiện nghiêm chỉnh Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và Hướng dẫn thực hiện DOC giữa ASEAN và Trung Quốc; Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc, cam kết tích cực cùng các nước ASEAN thúc đẩy đàm phán để sớm ký với Trung Quốc Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) theo đúng tinh thần Tuyên bố sáu điểm của các Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN về vấn đề Biển Đông.
Việt Nam đề nghị các nước tôn trọng quyền lợi chính đáng của Việt Nam là một quốc gia ven biển, trong đó có các quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế đã được quy định trong luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Các nước ASEAN có chung mong muốn, có chung lợi ích và chung trách nhiệm trong việc duy trì môi trường hòa bình, ổn định ở khu vực.