Việt Nam - Nhật Bản được gắn kết bởi vùng biển tự do

Tú Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phát biểu tại cuộc họp báo tối 16/1, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe khẳng định, Việt Nam cùng chia sẻ các giá trị cơ bản với Nhật Bản.

Mở đầu cuộc họp báo, Thủ tướng Nhật Bản hồi tưởng lại chuyến thăm Việt Nam vào năm 2013: "Việt Nam là quốc gia đầu tiên tôi tới thăm sau khi nhậm chức năm 2013. Tôi xin bày tỏ sự cảm ơn sự tiếp đón nồng ấm của Nhân dân Việt Nam không thay đổi sau suốt 4 năm qua. Năm nay, Việt Nam sẽ giữ vị trí Chủ tịch Hội nghị APEC, tôi mong chờ cơ hội để được đến thăm nơi đây một lần nữa nhân dịp sự kiện này".

 Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trong buổi họp báo tại Hà Nội tối 16/1.

Dòng chảy tự do kết nối Việt Nam - Nhật Bản

Theo Thủ tướng Shinzo Abe, Nhật Bản và Việt Nam là hai nước láng giềng được gắn kết bởi vùng biển tự do: "Dòng sông Hồng hùng vĩ chảy xuyên suốt qua Hà Nội, hướng tới Biển Đông rồi tới Biển Hoa Đông và nối dòng với Vịnh Tokyo. Không có gì có thể ngăn sự tự do qua lại trên dòng chảy này. Philippines, Indonesia và Australia cùng với Việt Nam, các quốc gia trong chuyến thăm của tôi lần này đều là các nước láng giềng quan trọng, cùng chia sẻ vùng biển rộng mở Thái Bình Dương và cùng chia sẻ các giá trị cơ bản với Nhật Bản".

Nguyên tắc an ninh an toàn tự do hàng hải có vai trò cực kỳ quan trọng và để thực hiện nguyên tắc đó việc thượng tôn pháp luật sẽ phải được quán triệt một cách đầy đủ. "Đó là nhận thức đã được tất cả các quốc gia trên hoàn toàn nhất trí cùng Nhật Bản. Nhật Bản sẽ cung cấp các tàu tuần tra hỗ trợ năng lực chấp pháp trên biển cho Việt Nam cũng như Philippines", Thủ tướng Nhật nói.

"Nhật Bản sẽ xây dựng một nền hòa bình phồn vinh vững chắc trên khu vực châu Á Thái Bình Dương, xa hơn nữa là vươn tới khu vực Ấn Độ Dương. Trong năm 2017, với việc Philippines giữ vị trí Chủ tịch luân phiên ASEAN, Nhật Bản sẽ nỗ lực chung tay phát triển và đảm bảo sự ổn định của khối ASEAN là một thành viên trong khu vực, Nhật Bản sẵn sàng thực hiện vai trò cũng như trách nhiệm to lớn trên tinh thần duy trì khu vực Thái Bình Dương rộng mở", ông Abe nhấn mạnh.

Thời gian tới, Nhật Bản sẽ tiếp tục hỗ trợ công nghệ cao, đào tạo nguồn nhân lực cho Thủ đô của Việt Nam tiếp tục xây dựng cải thiện cơ sở hạ tầng. Việc xúc tiến nhanh chóng Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã được xác định trong chuyến thăm lần này, từ đó có thể vươn tới những cơ chế thương mại xa hơn như RCEP. Nhật Bản sẽ luôn là ngọn cờ đầu trong cơ chế tự do thương mại.

Khẳng định cam kết của Mỹ là thiết yếu trong quá trình duy trì an ninh khu vực châu Á Thái Bình Dương, Thủ tướng Shinzo Abe cho biết, sau chuyến công du lần này tới 4 quốc gia (Philippines, Indonesia, Australia và Việt Nam), các bên đã thống nhất sẽ tiếp tục các liên kết hợp tác với Mỹ, đồng tời nhất trí các tranh chấp trong khi cần được giải quyết qua thương lượng, không đe dọa sử dụng vũ lực. Về kinh tế cần xây dựng một thị trường tự do rộng mở. Ông cũng bày tỏ kỳ vọng sớm hội kiến với ông Donald Trump sau lễ nhậm chức Tổng thống hôm 20/1 tới.

Triển vọng quan hệ Việt - Nhật

Trả lời phóng viên về nhận định triển vọng quan hệ Nhật Bản Việt Nam sắp tới và kỳ vọng vào vai trò của Việt Nam trong duy trì hòa bình an ninh khu vực, ông Abe cho biết: "Mùa xuân tới Nhà vua và Hoàng hậu Nhật bản sẽ thăm Việt Nam, do đó quan hệ hai nước sẽ còn tốt đẹp hơn nữa. Về lâu dài, chính phủ và DN Nhật Bản sẽ cùng chung sức hỗ trợ sự phát triển của Việt Nam. Đại học Nhật - Việt khai giảng năm 2015 là một công trình biểu tượng cho hợp tác hỗ trợ của Nhật Bản. Tháng 11 năm nay khi APEC diễn ra, Nhật Bản cam kết sẽ hỗ trợ toàn diện cho vai trò lãnh đạo của Việt Nam trong sự kiện này".

Về hợp tác an ninh hàng hải song phương nói chung và cam kết cung cấp tàu tuần tra cho Việt Nam mới đây nói riêng, Thủ tướng Abe cho biết, căn cứ theo nguyện vọng từ phía Việt Nam, Nhật Bản đã nhất trí cung cấp cho Việt Nam 6 tàu tuần tra lắp mới và tiếp tục hỗ trợ nâng cao năng lực cảnh sát biển Việt Nam để tăng cường khả năng chấp pháp trên biển.

"Nhật Bản sẽ tiếp tục hỗ trợ các Việt Nam tăng cường an ninh khu vực, đặc biệt là trong lĩnh vực hàng hải. Hòa bình và thịnh vượng khu vực liên quan mật thiết tới duy trì vững bền tự do và mở rộng hàng hải. Việt Nam cũng như các quốc gia khác chia sẻ tinh thần thượng tôn luật pháp, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình. Đây sẽ là những nền tảng căn bản không thể suy chuyển, với nguyên tắc vững chắc đó khu vực châu Á Thái Bình Dương sẽ duy trì được hòa bình ổn đinh", Thủ tướng Abe kết luận buổi họp báo.