Thời gian qua, nguồn gỗ nguyên liệu nhập khẩu đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của ngành chế biến, xuất gỗ Việt Nam cả về xuất khẩu và tiêu dùng nội địa. Bình quân, mỗi năm Việt Nam nhập khẩu khoảng 4 - 4,5 triệu mét khối gỗ quy tròn các loại, gồm các loại gỗ rừng tự nhiên với kim ngạch nhập khẩu 1,8 - 2 tỷ USD. Mặc dù ngành gỗ Việt Nam đang tiếp tục được mở rộng nhưng hội nhập thị trường quốc tế luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt là đối với các mặt hàng đồ gỗ xuất khẩu. Một trong những rủi ro lớn là sự pha trộn các nguồn cung gỗ nguyên liệu nhập khẩu, thường là gỗ có nguồn gốc từ một số nước tiểu vùng sông Mekong (Lào, Campuchia) và châu Phi, tác động tiêu cực và ảnh hưởng trực tiếp đến hình ảnh của ngành gỗ Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Ông Nguyễn Tôn Quyền - Chủ tịch Vifores cho biết, mặt hàng gỗ xuất khẩu sang các thị trường Mỹ, EU, Australia đòi hỏi khắt khe về tính hợp pháp của nguồn gốc gỗ nguyên liệu đang khiến cho nhiều DN ngành gỗ gặp khó khăn. Để đáp ứng được các yêu cầu này, nguyên liệu gỗ phải là gỗ rừng trồng có chứng chỉ Tiêu chuẩn quản lý rừng bền vững FSC và phải là gỗ được nhập khẩu từ các nguồn không có rủi ro. Trong bối cảnh Chính phủ Việt Nam và EU đã hoàn tất việc đàm phán Hiệp định Đối tác tự nguyện về thực thi lâm luật, quản trị rừng và thương mại lâm sản VPA/FLEGT, đòi hỏi tất cả các mặt hàng gỗ xuất khẩu và tiêu thụ nội địa phải đáp ứng toàn bộ các yêu cầu về tính hợp pháp của gỗ.
Theo lãnh đạo Vifores, một trong những khó khăn lớn nhất là khi thực thi VPA/FLEGT, nguồn cung các mặt hàng được làm từ các loại gỗ quý được xuất khẩu sang Trung Quốc sẽ không thể tồn tại. Bên cạnh đó, việc sản xuất, kinh doanh tại các làng nghề gỗ truyền thống tại Đồng Kỵ (Bắc Ninh); Liên Hà, Vạn Điểm (Hà Nội); La Xuyên (Nam Định); Hố Nai (Bình Dương) có thể bị đảo lộn. Đây là vấn đề rất cấp bách, đòi hỏi Chính phủ và ngành gỗ cần có những đánh giá chi tiết về các tác động do việc thực thi VPA/FLEGT có thể đem lại trong tương lai, đặc biệt là các tác động tiêu cực với các làng nghề gỗ truyền thống.
Tuy nhiên, với khát khao xây dựng thương hiệu và hình ảnh của ngành gỗ Việt Nam cũng như thực thi các cam kết lâm nghiệp bền vững, việc loại bỏ nguồn gỗ nguyên liệu nhập khẩu có độ rủi ro cao là yêu cầu cấp bách của ngành gỗ Việt Nam. Điều này không chỉ là trách nhiệm của cộng đồng DN mà còn đòi hỏi vai trò rất lớn của Nhà nước, đặc biệt trong việc tạo ra các cơ chế thông thoáng nhằm kết nối DN với các làng nghề trong thời gian tới.
Như Kinhtedothi.vn đã đưa tin, ngày 11/5, Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) kết thúc đàm phán Hiệp định đối tác tự nguyện về thực thi Lâm luật, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT). Hiệp định sẽ giúp cải thiện quản trị rừng, giải quyết tình trạng khai thác bất hợp pháp và thúc đẩy thương mại sản phẩm gỗ hợp pháp được xác nhận từ Việt Nam sang EU và các thị trường khác. Đây là nỗ lực lớn sau gần 6 năm đàm phán của Việt Nam. Để triển khai hiệp định, Việt Nam sẽ xây dựng Hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp (VNTLAS) để đảm bảo gỗ và các sản phẩm gỗ xuất khẩu có nguồn gốc hợp pháp.
Thống kê của Bộ NN&PTNT cho thấy, giá trị xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ tháng 4/2017 đạt 594 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ 4 tháng đầu năm 2017 ước đạt 2,4 tỷ USD, tăng 12,7% so với cùng kỳ năm 2016. Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản là 3 thị trường nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam.