Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Việt Nam nổi trội trong ASEAN về thu hút đầu tư từ Đức

Minh Tuấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khảo sát gần nhất của mạng lưới của các Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức (AHK) toàn cầu cho thấy Việt Nam vẫn giữ vị thế là điểm đến đầu tư dài hạn của doanh nghiệp Đức, nhờ kỳ vọng cao về sự phát triển kinh tế tích cực trong trung hạn.

Khảo sát Triển vọng Kinh doanh Toàn cầu của cho thấy doanh nghiệp (DN) Đức 2019 vẫn tiếp tục kỳ vọng vào sự phát triển của mình tại thị trường Việt Nam cũng như triển vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2020, mặc dù có những diễn biến bất ổn của kinh tế toàn cầu do căng thẳng thương mại giữa các nền kinh tế lớn.

Ông Marko Walde, Trưởng đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Đức tại Việt Nam. Ảnh: Minh Tuấn

Khảo sát được thực hiện bởi mạng lưới các Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức toàn cầu với 140 văn phòng trên 92 quốc gia với sự tham gia của hơn 3.500 doanh nghiệp Đức từ khắp nơi trên thế giới.

Một kết quả nổi bật của cuộc khảo sát là 77% DN Đức tại Việt Nam đánh giá tình hình hoạt động kinh doanh của mình tốt lên trong năm nay, cao hơn rất nhiều so với tỷ lệ 56% ghi nhận trong khảo sát năm 2018. Đồng thời, tỷ lệ này trong khảo sát năm 2019 cao hơn nhiều so với tỷ lệ trong bình của các nước Đông Nam Á (61%). Ngoài ra, 21% số DN dự báo tình hình kinh doanh của mình sẽ ổn định.

Cùng với đó, có tới 67% DN Đức lạc quan với sự phát triển kinh tế của Việt Nam trong trung hạn, trong khi 26% số DN được hỏi đánh giá “Ổn định”.

Về kế hoạch đầu tư, 55% DN Đức có kế hoạch nâng cao mức đầu tư tại Việt Nam trong vòng 1 năm tới, cao hơn tỷ lệ 44% của khu vực Đông Nam Á và mức 52% năm 2018. “So với các nước trong khu vực, Việt Nam luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của các DN Đức và là điểm thu hút đầu tư tại khu vực”, báo cáo nhấn mạnh.

Cùng với kế hoạch mở rộng đầu tư, báo cáo ghi nhận 59% nhà đầu tư Đức tại Việt Nam dự định sẽ tuyển thêm nhân sự trong năm 2019 và 2020, cao hơn tỷ lệ 56% của năm 2018.

Báo cáo cũng cho thấy DN Đức kỳ vọng Hiệp định tự do thương mại giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam (EVFTA) sẽ hoàn thiện hóa khung cơ sở pháp lý và chính sách kinh tế tại Việt Nam.

Nói rõ hơn về kết quả khảo sát, ông Marko Walde, Trưởng đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Đức tại Việt Nam, cho biết DN Đức không phải là nhà đầu tư lớn, không mang các khoản đầu tư hàng tỷ USD tới các nước khác, bù lại mỗi khoản đầu tư đó kéo dài 15-20 năm. Do đó, các DN đầu tư vào máy móc, thiết bị hiện đại nhất, cũng như cần môi trường kinh doanh phủ hợp và khuyến khích nhất để có thể hoạt động lâu dài.

Tuy vậy, các DN Đức cũng nêu ra nhiều yếu tố cản trở sự tăng trưởng của mình trong thời gian tới tại Việt Nam, bao gồm chính sách kinh tế thiếu ổn định, thiếu lao động chất lượng cao, chi phí nhân sự tăng, rào cản thương mại và cơ sở hạ tầng kém phát triển.