Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Việt Nam nuôi cấy và phân lập thành công virus nCoV: Tiền đề cho việc nghiên cứu và phát triển vaccine

Nam Trần
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc Viện vệ sinh dịch tễ T.Ư nuôi cấy và phân lập thành công virus nCoV trong phòng thí nghiệm đã trở thành quốc gia thứ 3 nuôi cấy thành công virus này. Các chuyên gia dịch tễ nhấn mạnh, đây là tiền đề quan trọng cho việc nghiên cứu và phát triển vaccine phòng nCoV.

Việc nuôi cấy và phân lập thành công virus nCoV trong phòng thí nghiệm sẽ là tiền đề cho việc nghiên cứu và phát triển vaccine phòng nCoV. Ảnh: Nam Trần
Trả kết quả xét nghiệm chỉ trong một ngày
Kể lại câu chuyện nghiên cứu và phân lập thành công virus nCoV, GS.TS Đặng Đức Anh - Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư cho hay, quá trình này được Viện thực hiện khi Việt Nam xuất hiện ca bệnh dương tính đầu tiên (2 trường hợp bố con người Trung Quốc nhiễm bệnh). "Từ mẫu bệnh phẩm dương tính với virus corona, chúng tôi gây lây nhiễm, làm tăng số lượng (phân lập) virus trên dòng tế bào vero. Virus xuất hiện vào 72 giờ sau cho thấy chúng tôi đã thành công" - GS Đặng Đức Anh cho biết. Nhóm nghiên cứu tiếp tục thực hiện phương pháp nhuộm âm bản - soi mẫu trực tiếp và sử dụng kính hiển vi điện tử để nhận diện, đồng thời dùng kỹ thuật sinh học phân tử (Realtime RT-PCR) để xác định vật liệu di truyền nCoV.
Lãnh đạo Bộ Y tế đánh giá, đây sẽ là tiền đề cho việc nghiên cứu và phát triển vaccine phòng chống loại virus này trong tương lai và cũng giúp cho việc đưa ra các biện pháp dự phòng hiệu quả hơn. Còn đến thời điểm hiện tại Việt Nam vẫn bảo đảm cung ứng đủ sinh phẩm cho việc xét nghiệm.
Đề cập đến công việc khó khăn, vất vả này, PGS.TS Lê Quỳnh Mai - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư – người trực tiếp phụ trách lĩnh vực virus học cho biết thêm: Kết quả phân lập virus 2019-nCoV là sự kế thừa các kinh nghiệm của các GS, những người thầy về vi sinh y học Việt Nam như GS Hoàng Thủy Nguyên, GS Đặng Đức Trạch, GS Huỳnh Phương Liên và nhiều nhà khoa học khác. Cũng theo bà, Viện đã tham gia vào công tác phòng chống dịch từ những ngày đầu, tuy nhiên thông tin về virus mới này rất hạn chế, các hệ thống chẩn đoán chưa nhiều, chưa hoàn thiện, vừa làm vừa đánh giá nên nhiều người thắc mắc tại sao kết quả chẩn đoán rất lâu. “Chúng tôi cũng rất áp lực về thời gian chẩn đoán, nhưng tại thời điểm đó, việc khẳng định những trường hợp nhiễm 2019-nCoV đầu tiên phải thật chắc chắn, và giải trình tự gen thế hệ mới (NGS) là lựa chọn hàng đầu vì có thể giúp khẳng định được có vật liệu di truyền của virus trong mẫu bệnh phẩm lâm sàng, cho dù không có trình tự gen đối chứng” – PGS.TS Lê Quỳnh Mai nói.
Được biết, việc sử dụng NGS cũng là một thách thức, công việc này cần nhiều thời gian, với hệ thống giải trình tự NGS tại Viện Vệ sinh Dịch tễ T.Ư cần tới 3 ngày sau mới có kết quả và hết sức tốn kém (khoảng 25 triệu cho 1 xét nghiệm). “Để có thể thực hiện các kỹ thuật này, các cán bộ của khoa vi rút đã được đào tạo từ rất lâu, và cũng phải thực hành rất nhiều để có thể thành thạo thao tác, bảo đảm có thể thu được kết quả có độ tin cậy, giảm thiểu các tín hiệu nhiễu, phân tích được kết quả. Đó là cả một quá trình dài, không thể tính bằng ngày hoặc giờ” – PGS.TS Lê Quỳnh Mai chia sẻ. Bà cũng cho biết thêm: "Rất nhiều nơi công bố xác định được các ca nhiễm nhưng không phân lập được virus. Có nhiều đơn vị nuôi cấy virus nhiều tháng nhưng không thành công".
Theo bà Mai, virus nCoV nuôi cấy được cung cấp chuẩn để xét nghiệm là mẫu dương tính (còn gọi là chứng dương). Với thành quả này, các kết quả xét nghiệm virus của Viện Vệ sinh Dịch tễ T.Ư sẽ chuẩn xác hơn so với trước đây. Các bệnh nhân chỉ phải chờ đợi kết quả xét nghiệm trong khoảng một ngày thay vì 3 - 5 ngày như hiện nay.
Đủ khả năng xét nghiệm hàng nghìn mẫu mỗi ngày
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Cố vấn Trung tâm đáp ứng khẩn cấp y tế công cộng Việt Nam, việc nuôi cấy và phân lập được nCoV trong thí nghiệm sẽ giúp Việt Nam chủ động được việc xét nghiệm, giúp các chuyên gia nghiên cứu đặc tính của virus như sức chịu đựng của nó trông môi trường, hóa chất, chất cồn, trong nhiệt độ, khả năng miễn dịch….
Đánh giá về thành công của Việt Nam, ông Kidong Park - Trưởng Đại diện Tổ chức y tế thế giới tại Việt Nam cho rằng: “Việc nuôi cấy và phân lập thành công chủng nCoV trong phòng thí nghiệm của Viện Vệ sinh Dịch tễ T.Ư cho thấy Việt Nam có hệ thống xét nghiệm bệnh dịch rất phát triển. Việc nuôi cấy thành công này sẽ tạo điều kiện cho công tác xét nghiệm nhanh những trường hợp nhiễm và nghi nhiễm nCoV thông qua các mẫu thử”. Còn theo lãnh đạo Bộ Y tế, với sự thành công phân lập virus nCoV này, mỗi ngày tại Việt Nam sẽ có khả năng xét nghiệm hàng nghìn mẫu bệnh phẩm trong trường hợp cần thiết (hiện nay, Việt Nam đang có trên 1.000 người từ Trung Quốc trở về và gần 500 người có tiếp xúc gần với người nhiễm nCoV đang được cách ly, theo dõi, giám sát và chờ kết quả xét nghiệm).