Việt Nam - Quốc gia dễ bị tổn thương nhất do biến đổi khí hậu

Nguyên Khang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù Chính phủ đã có nhiều cố gắng, nỗ lực nhằm cải thiện môi trường, song Việt Nam vẫn là quốc gia dễ bị tổn thương nhất do biến đổi khí hậu. Đây là đánh giá của Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) - một trong những đối tác giúp Việt Nam giảm thiểu biến đổi khí hậu.

Những con số báo động
Theo thống kê của AFD, nhiệt độ trung bình năm ở Việt Nam đã tăng trung bình khoảng 0,89 độ C cho thời kỳ từ 1958 - 2018 (xấp xỉ 0,15 độ C/thập kỷ), trong đó, thập kỷ vừa qua chứng kiến mức tăng cao nhất. Trong cùng thời kỳ, lượng mưa năm tăng nhẹ với mức tăng trung bình khoảng 5,5%, mực nước biển cũng tăng lên, với mức tăng trung bình là 3,6mm/năm cho giai đoạn 1993 - 2018… điều này đã và đang ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân Việt Nam.
Việt Nam là quốc gia dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu. Ảnh minh họa.
Đặc biệt, với hơn 3.200km bờ biển, Việt Nam nằm trong số những quốc gia dễ bị tổn thương nhất do hệ quả của biến đổi khí hậu. Bởi, theo kịch bản đã được nghiên cứu kỹ lưỡng, khi nước biển dâng thêm 1m, Việt Nam sẽ có thể bị mất 5% diện tích đất liền, đặc biệt là tại Đồng bằng sông Cửu Long, đe dọa an ninh lương thực và kinh tế của đất nước.
Ngoài ra, tình trạng nhiệt độ tăng, làm gia tăng liên tục hạn hán, tần suất bão và các hiện tượng xói lở ven sông, ven biển ngày càng phức tạp như sụt lún, cũng là một vấn đề rất đáng lo ngại.
“Đồng bằng sông Cửu Long, hiện đang phải đối mặt với mức độ sụt lún đất cao, có nơi lên tới 5 cm/năm, chủ yếu do khai thác nước ngầm (hiện tại là xấp xỉ 2,5.106 m3 /ngày, với mức tăng hàng năm là 4%/năm). Nếu tốc độ khai thác nước ngầm duy trì ở mức hiện tại, sự sụt lún tích lũy cùng với nước biển dâng có thể khiến phần lớn đồng bằng chìm xuống dưới mực nước biển vào cuối thế kỷ này” - phân tích của AFD cảnh báo.
Đặc biệt, theo nghiên cứu của AFD, bỏ qua những yếu tố phi tuyến tính về KT - XH có thể nảy sinh khi khí hậu thay đổi, tác động tích lũy trực tiếp về kinh tế lên các lĩnh vực như: Y tế, nông nghiệp, năng lượng, năng suất lao động… có thể lên tới 8% hàng năm trong trường hợp nhiệt độ tăng 1.5 độ C so với giai đoạn 1997 - 2019. Thiệt hại có thể là 10% khi nhiệt độ tăng 2°C, 12.5% khi tăng 3 độ C và lên đến 17% khi tăng 4 độ C.
Cần những biện pháp dài hơi
Phó Cục trưởng Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT) Phạm Văn Tấn chia sẻ, để giảm thiểu những tác động của biến đổi khí hậu, trong những năm qua, cùng với việc thích ứng với biến đổi khí hậu, việc giảm phát thải khí nhà kính đã trở thành yêu cầu bắt buộc thực hiện đối với mọi tổ chức, cá nhân sống và làm việc trên lãnh thổ Việt Nam và đã được quy định trong Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi năm 2020…
Đại diện Bộ TN&MT khẳng định, đây sẽ là những biện pháp để Việt Nam hoàn thành mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 sẽ giảm 9% tổng lượng phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường, tương đương 83,9 triệu tấn CO2 bằng nguồn lực trong nước và lên tới 27%, tương đương 250,8 triệu tấn CO2 (bằng tổng phát thải quốc gia của Việt Nam năm 2014) khi có hỗ trợ quốc tế thông qua các hợp tác song phương, đa phương và đầu tư của DN.
Ông Remy Rioux - Tổng Giám đốc AFD, Chủ tịch câu lạc bộ các tổ chức tài chính hỗ trợ phát triển và Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà bên lề Cop 26.

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực môi trường, với những nỗ lực trong nhiều năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành quả trong ứng phó với biến đổi khí hậu, cả về thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.

Tuy nhiên, để nâng cao hơn nữa hiệu quả thích ứng với biến đổi khí hậu, Việt Nam cần rà soát lại hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về ứng phó với biến đổi khí hậu để có những điều chỉnh, bổ sung phù hợp với bối cảnh hiện nay. Khuyến khích các thành phần kinh tế, trong đó có khu vực DN và tư nhân đầu tư vào các hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu. Bởi, nguồn lực quốc gia đầu tư cho thích ứng với biến đổi khí hậu còn hạn chế - khoảng 30%.

Cùng với đó, chúng ta cần áp dụng các công nghệ hiện đại phục vụ giám sát biến đổi khí hậu, quan trắc và dự báo khí tượng thủy văn, cảnh báo sớm thiên tai và hiểm họa; Tăng cường năng lực đội ngũ chuyên gia, cán bộ kỹ thuật chuyên sâu ở một số lĩnh vực về biến đổi khí hậu và đánh giá hiệu quả các hoạt động thích ứng, đặc biệt là ở các địa phương.

Song, theo ông Alexis Drogoul - Trưởng đại diện IRD - Cơ quan nghiên cứu Phát triển (Pháp) tại Việt Nam, các giải pháp ứng phó sẽ nhiều và quan trọng nhất phải là đối tượng của sự thỏa hiệp. Chúng ta sẽ không thể thích ứng với mọi thứ và chúng ta không nên mơ về những giải pháp hoàn hảo có thể giải quyết tất cả vấn đề cùng một lúc. Nhiều biện pháp được coi là "tích cực" (ví dụ xây đập để giảm sử dụng than và giảm phát thải khí nhà kính) cũng sẽ có tác động "tiêu cực" (giảm đa dạng sinh học thủy sinh, thu giữ trầm tích) và chúng ta cũng cần phải có khả năng tìm ra biện pháp phù hợp, cân bằng cho phép dẫn đến các giải pháp lâu dài.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần