Hoạt động này nhằm hưởng ứng sáng kiến toàn cầu 5 năm về chấm dứt bạo lực trẻ em bởi Tổ chức Tầm nhìn Thế giới. Trong giai đoạn (2017 - 2022) triển khai sáng kiến, Việt Nam sẽ tập trung vào vấn đề bạo lực thân thể trẻ em trong gia đình và nhà trường - đây là hai môi trường có ảnh hưởng quan trọng đến sự phát triển toàn diện cũng như quá trình hình thành nhân cách của trẻ em.
Không chỉ thế, các nghiên cứu đã chỉ ra, bạo lực thân thể làm hạn chế trẻ phát triển hết khả năng của mình. Trẻ thường xuyên bị trừng phạt thân thể thường ít có cơ hội học lên cao so với các em không trải qua hình phạt này. Bạo lực thân thể cũng khiến cho các em học tập kém và không thích đến trường.Bạo lực thân thể trong gia đình sẽ định hình tính cách và mạng lưới bạn bè của trẻ. Những trẻ em hay gây bạo lực trong trường học đã từng bị cha mẹ, anh chị em bạo lực thân thể dẫn đến thường hung hăng, nóng giận và sử dụng bạo lực giải quyết mâu thuẫn. Vì thế, Trưởng Đại diện tổ chức Tầm nhìn Thế giới tại Việt Nam Trần Thu Huyền cho rằng: “Sáng kiến có mục đích nhằm thúc đẩy việc xây dựng và thực thi tốt luật pháp và chính sách liên quan, đồng thời góp phần thay đổi nhận thức của mọi thành phần trong xã hội. Từ đó thôi thúc từng cá nhân hành động để chấm dứt bạo lực trẻ em trong gia đình và trường học”.Theo bà Huyền, khi cha mẹ và thầy cô thận trọng trong từng hành vi, ứng xử với con và học sinh sẽ có tác động rất tích cực trong gia đình, nhà trường. Cũng như, có sự lan toả làm cho môi trường xã hội dần trở nên an toàn hơn với trẻ. Về phía các em được lớn lên khoẻ mạnh và phát triển cả về thể chất lẫn tinh thần. Theo kế hoạch, trong 5 năm tới tổ chức Tầm nhìn Thế giới sẽ tăng cường hợp tác với nhiều đối tác để tất cả có thể hỗ trợ, bổ khuyết lẫn nhau. Đồng thời phát huy tối đa điểm mạnh của mỗi bên trong việc thực hiện sáng kiến này. Từ đó, tạo ra những ảnh hưởng sâu rộng trong toàn xã hội, đóng góp cho mục tiêu phát triển bền vững về bảo vệ trẻ em và trẻ vị thành niên khỏi mọi hình thức bạo lực.Tại lễ phát động, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục chính trị và công tác học sinh sinh viên, Bộ GD&ĐT Dương Văn Bá thông tin: Trong thời gian tới ngành giáo dục sẽ quyết liệt triển khai các giải pháp hướng tới phương pháp giáo dục tích cực, hiện đại trong nhà trường. Cùng với việc thực hiện chương trình Văn hoá học đường, hiện nay Bộ GD&ĐT đã xây dựng và trình Chính phủ xem xét, ban hành Đề án ứng xử văn hoá trong trường. Khi đề án được thông qua, dự kiến sẽ được triển khai trong hệ thống giáo dục từ năm 2018.