Theo nội dung Đề án, mục tiêu đến năm 2020 hoàn thành việc số hóa toàn bộ các dữ liệu về hướng dẫn viên du lịch, DN lữ hành quốc tế, cơ sở lưu trú trong cả nước do cơ quan quản lý nhà nước về du lịch ở Trung ương và địa phương quản lý; hình thành hệ thống thông tin số về khu, điểm du lịch, cơ sở dịch vụ du lịch và khách du lịch; phát triển các ứng dụng trên thiết bị di động cung cấp cho khách du lịch tại các địa bàn du lịch trọng điểm trong đó có các thông tin về điểm đến, sản phẩm dịch vụ du lịch, thuyết minh du lịch dịch tự động ra các ngôn ngữ phổ biến; kết nối liên thông giữa các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch từ Trung ương đến địa phương và DN du lịch;...
Đến năm 2025 phát triển đồng bộ hệ sinh thái du lịch thông minh gắn với Hệ tri thức Việt số hóa và các mô hình đô thị thông minh; thúc đẩy ứng dụng trí tuệ nhân tạo, trợ lý du lịch ảo và các công nghệ tiên tiến khác phục vụ du khách, cộng đồng, DN và cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, góp phần đưa Việt Nam vào nhóm 4 quốc gia dẫn đầu về năng lực cạnh tranh du lịch của khu vực Đông Nam Á.
Nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu của Đề án là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số hỗ trợ khách du lịch trước và sau chuyến đi. Cụ thể, nâng cấp Cổng thông tin du lịch Việt Nam, bảo đảm cung cấp thông tin đầy đủ, sinh động về các điểm đến, sản phẩm và dịch vụ du lịch; tích hợp các ứng dụng hỗ trợ du khách xây dựng chương trình, đặt và thanh toán dịch vụ du lịch trực tuyến theo nhu cầu cá nhân; tiếp nhận phản hồi và xử lý phản hồi của khách du lịch.
Bên cạnh đó, xây dựng nội dung, chủ đề, phát động các chiến dịch quảng bá du lịch qua mạng xã hội, hướng đến các thị trường mục tiêu cụ thể của du lịch Việt Nam; tổ chức chương trình khảo sát cho những người viết trên mạng xã hội về du lịch, phóng viên Việt Nam và quốc tế để phát triển nội dung số quảng bá du lịch Việt Nam.
Phát triển ứng dụng xây dựng nội dung, tự động cập nhật thông tin cho khách du lịch sau chuyến đi; hợp tác với các nhà cung cấp dịch vụ thông tin lớn trong nước và nước ngoài để thực hiện truyền thông, quảng cáo qua nhiều kênh thông tin như tin nhắn, các ứng dụng phổ biến, nhạc chờ, chữ ký cuộc gọi.
Nhiệm vụ và giải pháp khác là nâng cao hiệu quả quản lý điểm đến du lịch, phát triển điểm đến du lịch thông minh. Trong đó, chuẩn hóa nội dung số giới thiệu về điểm đến, sản phẩm, dịch vụ du lịch tiêu biểu của địa phương; phát triển ứng dụng thuyết minh du lịch tự động qua thiết bị di động thông minh; ứng dụng công nghệ thực tế ảo, thực tế tăng cường và các công nghệ tiên tiến khác nhằm tăng giá trị và sức hấp dẫn của điểm đến, sản phẩm, dịch vụ du lịch.
Cùng với đó, phát triển ứng dụng hỗ trợ khách du lịch của du lịch Việt Nam có khả năng theo sát hành trình, chủ động cung cấp thông tin phù hợp đáp ứng nhu cầu của du khách trong suốt hành trình du lịch; phát triển các ứng dụng hỗ trợ thanh toán thuận lợi trên thiết bị di động thông minh cho khách du lịch như thẻ tích điểm thanh toán đa năng, ứng dụng thanh toán trực tuyến, ứng dụng thanh toán bằng mã QR; phát triển các ứng dụng báo cáo, thống kê tự động liên thông từ các DN, cơ sở dịch vụ du lịch đến các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, tích hợp kết nối với các ngành, lĩnh vực liên quan, trước mắt là xuất nhập cảnh, hàng không, ngoại giao, thương mại, ngân hàng.
Ngoài ra, nâng cao chất lượng dữ liệu thông tin và dịch vụ trên các chuyến bay, cửa khẩu, cảng hàng không, cảng biển quốc tế và trong nước; khuyến khích các địa phương, DN viễn thông xây dựng hệ thống mạng internet không dây công cộng phục vụ du khách và các ứng dụng công nghệ thông minh nhằm quảng bá điểm đến, sản phẩm, dịch vụ du lịch; xây dựng, phát triển các ứng dụng giám sát, cảnh báo an toàn, hỗ trợ khách du lịch trong những trường hợp cần sự trợ giúp, trường hợp khẩn cấp.