Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới: Nỗi lo thừa lao động tay nghề thấp

Oanh Trần
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lực lượng lao động khá dồi dào, nhưng chất lượng lao động thấp. Vì vậy, nâng cao chất lượng lao động trong bối cảnh Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới như EU - Việt Nam (EVFTA) là đòi hỏi bức thiết.

Cạnh tranh khốc liệt
Ngày 25/10, tại Hội thảo Nâng cao chất lượng lực lượng lao động Việt Nam trong bối cảnh thực hiện EVFTA, GS.TS Nguyễn Quang Thuấn – Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam khẳng định: EVFTA (dự kiến có hiệu lực từ năm 2018) là một FTA thế hệ mới giữa Việt Nam và 28 nước thành viên EU có phạm vi cam kết rộng và mức độ cao nhất của nước ta từ trước đến nay. “Việt Nam cần phải chuẩn bị những gì để có thể tận dụng cơ hội và giảm thiểu các thách thức từ FTA thế hệ mới này?” - ông Thuấn đặt câu hỏi và nêu thực tế lao động Việt Nam dồi dào với gần 48 triệu người, nhưng lại thiếu lao động có tay nghề, năng suất lao động thấp. Trình độ ngoại ngữ của người lao động (NLĐ) cũng yếu so với các quốc gia trong khu vực (Singapore, Thái Lan, Malaysia, Indonesia...). Vì thế, nâng cao chất lượng lao động trong bối cảnh tham gia EVFTA là rất cấp thiết.

Người lao động trả lời phỏng vấn tìm việc làm tại Trung tâm giao dịch việc làm Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Đến từ đơn vị chuyên nghiên cứu về lao động, TS Đào Quang Vinh - Viện trưởng Viện Khoa học lao động – xã hội, lại có cái nhìn lạc quan. Bởi, EVTFA sẽ tạo thêm nhiều việc làm, đặc biệt ở những ngành có lợi thế xuất khẩu. Thế nhưng, lao động Việt Nam chịu tác động kép của cả quá trình toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp 4.0. Những công việc cần lao động tay nghề thấp, giản đơn có nguy cơ bị thay thế, thậm chí bị mất việc cao.

TS Lê Xuân Sang - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cũng cho rằng, việc gia nhập EVTFA tạo ra nhiều cơ hội nhưng đi kèm với thách thức. DN Việt Nam sẽ có thêm thị trường châu Âu. Khách hàng EU tuy khó tính nhưng sẵn sàng chi trả cho những sản phẩm chất lượng cao. Với việc có EVFTA, cùng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, các nước sẽ mang người máy (robot) sang Việt Nam, ảnh hưởng đến vị trí việc làm của NLĐ trình độ phổ thông, còn trí tuệ nhân tạo sẽ tác động đến những người có tay nghề bậc trung. Nhiều ý kiến khác cho rằng, đây sẽ là cuộc cạnh tranh khốc liệt về thị trường lao động Việt Nam trong thời gian tới.

Biến thách thức thành hành động

Biến thách thức thành cơ hội khi tham gia EVFTA là nội dung được nhiều đại biểu đồng tình. Theo ông Sang, về phía DN phải nỗ lực hết mình, tự “thoát xác” khỏi những cách làm việc thiếu khoa học, chụp giật để đáp ứng những tiêu chuẩn mới. Trong bối cảnh này, Nhà nước nên có các hỗ trợ về thông tin, kinh phí đào tạo để khuyến khích, khơi dậy tinh thần cạnh tranh kinh doanh và sáng tạo. Đặc biệt là hợp tác tốt với các DN có vốn đầu tư nước ngoài để những đơn vị trong nước "nhìn vào" và “lớn lên”, hưởng lợi từ FTA. Đây là bài toán khó đòi hỏi phải có hệ thống chính sách pháp luật phù hợp, năng lực kiến tạo phát triển.

“NLĐ phải khắc phục bất cập về trình độ thấp, tư duy ngắn hạn, hiểu biết mang tính địa phương. Đồng thời, phải tìm hiểu thị trường trong nước và EU mới có nhiều cơ hội việc làm”- ông Sang nhấn mạnh. Trong khi đó, ông Vinh đưa ra giải pháp đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, có năng lực quản lý, nghiệp vụ, ngoại ngữ để điều hành sản xuất, kinh doanh.

Với sự tác động của EVFTA và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sẽ có những chương trình đào tạo giúp NLĐ tăng nhận thức và hiểu biết về chính sách pháp luật trong nước và quốc tế đối với những thị trường mà mình làm việc. Nhiều người kỳ vọng, gia nhập EVFTA, Việt Nam sẽ biến những thách thức thành hành động, nâng cao chất lượng lao động, đáp ứng thị trường lao động trong và ngoài nước.