"Muốn hội nhập thành công thì vấn đề thông tin thị trường là rất quan trọng. Do đó, đề nghị T.Ư hỗ trợ các địa phương trong công tác tuyên truyền về hội nhập; đào tạo và phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu hội nhập. Thường xuyên cung cấp thông tin về thị trường; hỗ trợ xúc tiến thương mại, đầu tư. Đặc biệt, trong các chương trình xúc tiến, nên chia ra các nhóm tỉnh, TP có mức độ phát triển tương đương nhau và có các mức hỗ trợ ưu tiên cho các DN nhỏ có tiềm năng được tiếp cận." - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S "Để hội nhập thành công, ngành nông nghiệp cần quy hoạch, tổ chức lại sản xuất. Trong đó, không chỉ chú trọng phát triển nông nghiệp quy mô lớn, mà cần quan tâm cả kinh tế quy mô hộ gia đình, từ đó có chính sách hỗ trợ riêng. Phấn đấu không để nông dân, người sản xuất nhỏ bị bỏ lại trong quá trình hội nhập." - Phó Chủ tịch T.Ư Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Xuân Định |
Việt Nam tham gia sâu rộng các FTA: “Chìa khoá” hội nhập toàn cầu
Kinhtedothi - Thực hiện chủ trương, chính sách về chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam đã tích cực đàm phán, ký kết và thực hiện nhiều Hiệp định Thương mại tự do (FTA).
Trong đó, có hai FTA thế hệ mới là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA).
Làm thế nào để ngành nông nghiệp Việt Nam thích ứng, phát triển trong bối cảnh hội nhập là vấn đề được đưa ra thảo luận tại hội nghị “Cơ hội và thách thức đối với nông nghiệp Việt Nam khi tham gia các hiệp định thương mại tự do”, do Bộ NN&PTNT chủ trì, tổ chức ngày 26/6.
Không chỉ là thị trường rộng mở
Theo Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) Dương Quốc Thái, tác động lớn nhất của CPTPP và EVFTA là giúp mở rộng khả năng tiếp cận những thị trường xuất khẩu lớn. Cụ thể, CPTPP với 11 nước thành viên và 40 triệu dân có sức tiêu thụ lớn. Trong khi, EVFTA sẽ tạo điều kiện cho nông sản Việt Nam tiếp cận với thị trường 28 quốc gia thành viên EU với hơn 500 triệu dân. EVFTA và CPTPP sẽ giúp nông sản Việt Nam giảm phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc và Đông Nam Á.
Bên cạnh mở rộng thị trường, hai FTA thế hệ mới sẽ thúc đẩy xuất khẩu nhờ chính sách miễn giảm thuế. Cụ thể, nông lâm sản khi xuất khẩu vào các nước trong khối CPTPP với thuế suất phổ biến từ 5 – 10% hiện nay sẽ được hạ xuống 0%, trước mắt là khi xuất khẩu sang Canada và Nhật Bản.
Tương tự, EVFTA có hiệu lực, nhiều mặt hàng như gạo và các sản phẩm từ hạt của Việt Nam sẽ được giảm thuế về 0%. Bên cạnh các mặt hàng rau củ quả được EU cam kết xoá bỏ thuế, khoảng 50% dòng thuế trên sản phẩm thuỷ sản sẽ được xoá bỏ, 50% dòng thuế còn lại trong 5 – 7 năm tới cũng sẽ được đưa về 0%.
Các chuyên gia, nhà quản lý cho rằng, việc gia nhập hai FTA thế hệ mới, Việt Nam sẽ có lợi thế cao khi thu hút đầu tư vốn nước ngoài. Một số nước không có lợi thế về nông nghiệp có thể sẽ chuyển hướng đầu tư sang Việt Nam.
Ví dụ điển hình là Nhật Bản, khi nước này đang đầu tư trồng gừng, bưởi, chăn nuôi gà ở Nghệ An, trồng rau quả ở Lâm Đồng rồi xuất khẩu hàng hoá trở lại chính quốc. Việc tham gia các FTA cũng mang lại cho người tiêu dùng Việt Nam cơ hội tiếp cận các sản phẩm có chất lượng cao từ những nước tiên tiến như thịt, sữa… Đặc biệt là một số sản phẩm trái cây ôn đới và thuỷ sản mà Việt Nam không có.
Bức tranh không chỉ có màu hồng
Việc tham gia sâu rộng các FTA mang lại những cơ hội rất lớn cho ngành nông nghiệp Việt Nam, tuy nhiên, song hành với đó là không ít thách thức. Ở đó, nhóm các DN được cho là sẽ chịu tác động lớn hơn cả.
Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) Nguyễn Thị Thu Trang cho rằng, khi tham gia CPTPP và EVFTA, các DN sẽ có được những ưu đãi về thuế quan.
Bên cạnh đó là cơ hội nhập khẩu máy móc, trang thiết bị phục vụ sản xuất từ các đối tác EU – CPTPP với giá cả hợp lý hơn. Tuy nhiên, quy tắc xuất xứ để hưởng ưu đãi thuế quan có thể không dễ đáp ứng, nhất là đối với các mặt hàng nông sản nhập khẩu.
Bà Nguyễn Thị Thu Trang cũng nhấn mạnh, cam kết FTA không đồng nghĩa với giấy phép/Visa xuất khẩu cho các loại hàng hoá. Cam kết FTA cũng không xoá bỏ các yêu cầu về hàng rào kỹ thuật trong thương mại, truy xuất nguồn gốc và an toàn thực phẩm…
Bên cạnh đó, hội nhập sẽ làm gia tăng sức ép cạnh tranh từ các nông sản nhập khẩu từ EU và các nước CPTPP. Chi phí sản xuất cũng như chi phí tuân thủ các quy tắc (lao động, môi trường…) đều sẽ tăng.
Ở một khía cạnh khác, Phó Viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (Bộ NN&PTNT) Trần Công Thắng nhận định, hội nhập FTA sẽ khiến các quy định về an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc của các nước nhập khẩu ngày càng chặt chẽ và cao hơn khi giảm thuế. Việt Nam cũng sẽ phải bảo đảm tuân thủ các quy định khác về sở hữu trí tuệ, lao động, minh bạch hoá thông tin…
Đặc biệt, các DN trong nước sẽ phải tuân thủ các quy định của các nước nhập khẩu, không chỉ vấn đề an toàn thực phẩm, mà còn các tiêu chuẩn về trách nhiệm xã hội, vấn đề lao động và bình đẳng giới. Cùng với đó là những thách thức trong kiểm soát gian lận thương mại…
Làm gì để nông nghiệp hội nhập thành công?
Để đẩy nhanh tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, phát triển thị trường được xem là giải pháp quan trọng bậc nhất. Theo đó, đại diện một số hiệp hội, tỉnh, TP cho rằng, Việt Nam cần đẩy mạnh chế biến, nhất là rau quả, thuỷ sản. Xây dựng chuỗi phân phối ra nước ngoài gắn với phát triển thương hiệu.
Đồng thời, mở rộng xuất khẩu sang các thị trường tiềm năng lớn như: New Zealand, Australia, Canada, Malaysia, EU, Nhật Bản, Mexico… Tăng cường hợp tác, chú trọng liên kết chuỗi để nâng cao năng suất, chất lượng nông sản. Đồng thời, hiểu và áp dụng linh hoạt, trung thực quy tắc xuất xứ của các FTA.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng, chính sách hội nhập của Đảng, Nhà nước thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Minh chứng là Việt Nam đã vươn lên trở thành nền nông nghiệp hàng đầu. Dù vậy, bức tranh hội nhập không chỉ có “màu hồng”. Chính vì vậy, các DN Việt Nam cần chủ động, tích cực chuẩn bị cho hội nhập. Nắm vững cam kết của Việt Nam, thay đổi tư duy kinh doanh trong bối cảnh mới. Đồng thời, nằm bắt thông tin quy định và rào cản thị trường để kịp thời ứng phó, đáp ứng.
Thực tế cho thấy, sau hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam đã xác định hướng phát triển hội nhập rất đúng và trúng. Nhờ đó, nền kinh tế nước nhà nói chung, nông nghiệp nói riêng đã chuyển từng bước chắc chắn sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, cần phải chủ động hơn nữa để khai thác tiềm năng mà các FTA mang lại.
Cũng theo ông Cường, hội nhập của ngành nông nghiệp sẽ khó nhưng nên quá lo lắng bởi hiện nay nước ta đang có nhiều lợi thế nhất định. Dù vậy, “để thành công, chúng ta cần quyết tâm cao nhất; cần phải có sự vào cuộc chủ động, quyết liệt hơn nữa của cả khu vực Chính phủ, tư nhân và người dân” – Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ xây dựng kế hoạch làm việc với từng hiệp hội, ngành hàng, các địa phương để có định hướng phát triển cụ thể đối với 3 nhóm kinh tế nông nghiệp (chăn nuôi, trồng trọt), lâm sản và thuỷ sản. Rà soát tích hợp tinh thần của 2 hiệp định FTA thế hệ mới vào quá trình thực hiện hai Chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.
Trong quá trình hội nhập, một trong những yếu tố quan trọng được Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh là nguồn nhân lực để ứng phó với các hàng rào kỹ thuật; bởi kinh tế hội nhập rất cần những “thầy cãi” để bảo vệ hàng hoá Việt Nam khi bước ra thị trường thế giới. Đồng thời khẳng định, Bộ NN&PTNT sẽ cùng Chính phủ và các bộ ngành đồng hành với các tỉnh, TP, hiệp hội, các DN và người nông dân trong tiến trình hội nhập.