Tại cuộc làm việc, các đại biểu đã được nghe GS.TS Nguyễn Thị Lan - Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam trình bày báo cáo công tác nghiên cứu vaccine. Bên cạnh nghiên cứu, Học viện đã thử nghiệm trên 3 đàn lợn của 3 hộ chăn nuôi ngoài thực địa. Kết quả sơ bộ ban đầu nghiên cứu cho thấy, vaccine vô hoạt phòng, chống dịch tả lợn châu Phi có hiệu quả bảo hộ cao đối với đàn lợn được tiêm phòng.
Đại diện Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cũng đã thông tin bước đầu việc sử dụng chế phẩm sinh học có lợi (robiotic) bổ sung trong thức ăn chăn nuôi và các biện pháp an toàn sinh học. Đánh giá của một số mô hình áp dụng chế phẩm vi sinh có lợi (probiotic) kết hợp với các biện pháp an toàn sinh học cho thấy, việc sử dụng tổng thể giải pháp kép trên đang mang lại hiệu quả tích cực trong phòng, chống dịch tả lợn châu Phi.
Đáng chú ý, công tác nghiên cứu vaccine và thử nghiệm sử dụng chế phẩm sinh học trong phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi có sự tham gia tích cực của một số doanh nghiệp chăn nuôi. Việc áp dụng chế phẩm sinh học được các đơn vị sử dụng trong cả thức ăn và xử lý phế thải vật nuôi, bảo vệ môi trường, tránh lây lan bệnh dịch. Hầu hết các mô hình đều cho thấy những hiệu quả bước đầu rất tích cực.
Phát biểu tại cuộc làm việc, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng: Trong bối cảnh bệnh dịch tả lợn châu Phi bùng phát, có điều đáng mừng là cố gắng chung của toàn ngành NN&PTNT, đặc biệt là sự vào cuộc các tổ chức, DN, viện nghiên cứu, các nhà khoa học…
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, Việt Nam tham gia 2 hiệp định thương mại tự do thế hệ mới là EVFTA và CPTPP sẽ khiến thịt lợn bên ngoài thâm nhập sâu rộng vào Việt Nam. Do đó, Việt Nam có thể thua ngay trên sân nhà nếu không tích cực vào cuộc phòng, chống và sớm khống chế dịch tả lợn.
Liên quan đến hướng sản xuất vaccine, Bộ trưởng đề nghị Học viện Nông nghiệp Việt Nam đẩy nhanh nhất tiến độ thực hiện, không được bằng lòng. “Thành công trong quy mô phòng thí nghiệm chỉ là bước đầu, ra được vaccine thương mại lại là vấn đề khác. Do đó, các đơn vị không chủ quan” - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh. Đồng thời khuyến nghị, phương thức tiếp cận sản xuất vaccine cần theo hướng sáng tạo nhất, không đi theo lối mòn.
Cùng với nghiên cứu vaccine phòng chống dịch tả lợn châu Phi, các nhà nghiên cứu tiếp tục quan tâm, nghiên cứu phân tích những cá thể còn tồn tại. Đây là nguồn gen rất quý nhờ sức chống chịu dịch bệnh tốt. Đặc biệt, ngành nông nghiệp Việt Nam nói chung, chăn nuôi nói riêng định hướng đi theo phát triển nông sản đặc sản. Do đó, bảo tồn các nguồn lợi gen lợn khoẻ mạnh trong dịch bệnh là nhiệm vụ hết sức quan trọng.
Đối với giải pháp về sử dụng chế phẩm, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị các đơn vị tổng hợp các quy trình, đặc biệt là nhóm công nghệ Nhật Bản vì so với thế giới, Nhật Bản luôn đi đầu trong lĩnh vực này. Bên cạnh đó, cần rà soát hoàn thiện quy trình an toàn sinh học, tiến tới có hướng dẫn và phổ biến rộng rãi đến người chăn nuôi cả nước.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, an toàn sinh học và chế phẩm vi sinh là vũ khí “kép”, cũng là duy nhất hiện nay có hiệu quả đối với công tác phòng, chống dịch tả lợn. Trong việc áp dụng song hành hai giải pháp trên, cần lưu ý có giải pháp phù hợp, chi tiết cho cả chăn nuôi nhỏ và chăn nuôi lớn.