Đó là ý kiến của ông Takimo Koji - Trưởng đại diện Tổ chức xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) tại TP Hồ Chí Minh trong buổi công bố kết quả khảo sát: “Thực trạng sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp Nhật Bản tại Châu Á và Châu Đại Dương năm 2016” diễn ra ngày 14/2 tại TP Hồ Chí Minh.
Nissei, một doanh nghiệp từ Nhật Bản đầu tư nghành điện tử đang hoạt động tại KCX Linh Trung, quận Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh) |
Khảo sát “Thực trạng sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp Nhật Bản tại Châu Á và Châu Đại Dương năm 2016” được thực hiện với doanh nghiệp Nhật Bản tại 20 quốc gia và vùng lãnh thổ năm 2016, trong đó: 5 quốc gia và vùng lãnh thổ Đông Bắc Á, 9 quốc gia ASEAN, 4 quốc gia Tây Nam Á, 2 quốc gia Châu Đại Dương (Tỷ lệ đầu tư trực tiếp, gián tiếp của doanh nghiệp Nhật Bản là trên 10%).
Tại Việt Nam, kết quả khảo sát từ 640 doanh nghiệp Nhật Bản cho thấy: Tỷ lệ doanh nghiệp tại Việt Nam có lãi chiếm trên 60%; ước tính năm 2016 tăng khoảng 4% so với năm 2015. Trong đó, lợi nhuận của khối doanh nghiệp phi sản xuất tương đối cao so với khối doanh nghiệp sản xuất. Theo ông Takimo Koji: “Trên 60% doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam có xu hướng “mở rộng hoạt động kinh doanh”. Đây là tỷ lệ cao so với các quốc gia khác, Việt Nam tiếp tục là địa điểm đầu tư quan trọng đối với doanh nghiệp Nhật Bản trong tương lai”.“Lý do chính để doanh nghiệp Nhật Bản mở rộng hoạt động kinh doanh là: doanh thu của họ tăng (khoảng 88%); Tính tăng trưởng tiềm năng cao (khoảng 46%). Trong đó, khối phi chế tạo có “tính tăng trưởng tiềm năng cao nhất” (chiếm khoảng 63%)” - ông Takimo Koji, cho biết thêm.Biểu đồ thể hiện con số đầu tư trực tiếp từ Nhật Bản vào Việt Nam giai đọan 2006 - 2016 |
Theo ông Takimo Koji: “Tỷ lệ cung ứng nội địa không thấy sự thay đổi lớn so với năm 2015. Do đó, cần có chính sách hỗ trợ đối với nghành công nghiệp phụ trợ, bởi kết quả khảo sát chỉ ra rằng: Việt Nam chỉ xếp thứ 4 từ dưới lên trong số các quốc gia được khảo sát với nghành công phụ trợ còn non kém, chưa phát triển”.
Cùng với Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã được ký kết và đang trên con đường hình thành, khi được hỏi về những tác động đến hoạt động kinh doanh khi TPP có hiệu lực, Việt Nam có tỷ lệ doanh nghiệp Nhật Bản trả lời “có” cao nhất trong số các nước được khảo sát với 29,2%.Ông Takimo Koji nhấn mạnh, doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động tại Việt Nam luôn tôn trọng pháp luật, hoạt động kinh doanh cởi mở và công bằng, cùng hướng tới phát triển với xã hội Việt Nam. Doanh nghiệp Nhật Bản đã đầu tư vào Việt Nam mong muốn nhận được sự hỗ trợ tích cực hơn nữa từ Chính phủ Việt Nam và bày tỏ tin tưởng nếu những khuyến nghị chính sách trong khảo sát được kịp thời triển khai, Việt Nam sẽ tiếp tục là điểm đến của các doanh nghiệp Nhật Bản và quốc tế.