Không còn là những cam kết
Ngày 19/11, Fuji Xerox (Nhật Bản) chính thức khánh thành nhà máy sản xuất các thiết bị đa chức năng màu và máy in LED tại Khu công nghiệp VSIP Hải Phòng. Nhà máy có công suất 2 triệu sản phẩm/năm, tổng vốn đầu tư khoảng 9 tỷ yên (tương đương 120 triệu USD). Với việc thành lập nhà máy sản xuất mới này, Fuji Xerox đang hướng đến việc gia tăng năng lực sản xuất, nhằm tránh sự tập trung nhu cầu tại các nhà máy hiện tại khác ở Trung Quốc - nơi cung cấp khoảng 90% thiết bị đa chức năng màu và máy in LED. "Việc này sẽ góp phần đáp ứng nhu cầu của khu vực châu Á - Thái Bình Dương, châu Âu, Mỹ và các thị trường mới, nơi được dự báo là sẽ tiếp tục tăng trưởng trong tương lai" - đại diện của Fuji Xerox cho biết.
Lắp ráp linh kiện điện tử công nghệ cao tại Công ty Panasonic Việt Nam, Khu công nghiệp Thăng Long. Ảnh: Thanh Hải
|
Trước đó, Công ty TNHH Việt Nam Nisshin Seifun đã khởi công nhà máy chuyên sản xuất các loại thực phẩm đóng gói, với tổng vốn đầu tư 28,5 triệu USD tại Đồng Nai. Dự kiến, sau khi hoàn thành và đi vào sản xuất (tháng 8/2014), Nhà máy sẽ có công suất sản xuất khoảng 10.000 tấn nước sốt/năm, chuyên cung cấp cho thị trường Nhật Bản, sau đó mở rộng thị trường sang các nước châu Á. Cũng tại Đồng Nai, cuối tháng 10/2013, Nankai Kinzoku Việt Nam đã khánh thành nhà máy chuyên sản xuất các loại máy móc nông nghiệp để xuất khẩu.
Mitsubishi, một tập đoàn lớn khác của Nhật Bản cũng vừa ký biên bản ghi nhớ về hợp tác đầu tư với tỉnh Hà Tĩnh. Với tổng vốn đầu tư dự kiến 2,4 tỷ USD Mitsubishi đang lên kế hoạch cùng các đối tác của mình trong Dự án Nhiệt điện Vũng Áng II (công suất 1.200 MW) nhằm khởi công nhà máy trong năm 2014 để vận hành thương mại tổ máy số 1 vào đầu năm. Hiện tại, các bên trong liên doanh đang tiến hành các bước đàm phán hợp đồng BOT, giá điện, ký thỏa thuận thuê đất… Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, dự án có sự góp vốn của Tập đoàn Kobelco vào Công ty CP Sắt Thạch Khê (TIC) cũng đang được xúc tiến. Đây sẽ là bước đi quan trọng để tập đoàn này đẩy nhanh tiến độ Dự án Kobelco, 1 tỷ USD tại Nghệ An.
Dồn dập các dự án từ các nhà đầu tư Nhật Bản được xúc tiến, triển khai đang chứng tỏ làn sóng chuyển dịch đầu tư của các doanh nghiệp (DN) Nhật Bản vào Việt Nam đã không dừng lại ở những cam kết.
Doanh nghiệp Nhật mở rộng sản xuất
GS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài cho rằng, trước đây, Trung Quốc là điểm đến đầu tư hấp dẫn, song thời gian vừa qua, môi trường đầu tư tại Trung Quốc kém hấp dẫn hơn do người lao động đòi hỏi lương cao hơn, DN nội địa tại Trung Quốc đang lớn mạnh và cạnh tranh gay gắt với DN ngoại… Nhiều nhà đầu tư, trong đó có Nhật Bản chọn Việt Nam để đầu tư vì so với các nước trong khu vực, Việt Nam vẫn là một trong những điểm đến đầu tư hấp dẫn với đội ngũ lao động dồi dào, chính trị - xã hội ổn định, hệ thống pháp luật về đầu tư ngày càng cải thiện…
Còn theo ông Kohei Wantanabe - Chủ tịch Ủy ban Hợp tác kinh tế Mê Kông - Nhật Bản, thời gian gần đây, các DN Nhật Bản đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam trong việc cải thiện môi trường đầu tư. Với những nỗ lực đó, Việt Nam sẽ thực hiện thành công mục tiêu công nghiệp hóa vào năm 2020 để trở thành một nước công nghiệp. Đây là cơ hội lớn giúp các nhà đầu tư Nhật Bản mở rộng đầu tư tại Việt Nam.
Đánh giá của Bộ KH& ĐT cũng cho thấy, hơn 60% số DN Nhật Bản đang kinh doanh tại Việt Nam làm ăn có lãi và đã lên kế hoạch mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh trong 1 - 2 năm tới. Đây là cơ hội để phía Việt Nam đón đầu xu hướng các DN Nhật Bản, không chỉ mở rộng đầu tư mà còn lôi kéo các nhà đầu tư mới đến từ những quốc gia, vùng lãnh thổ khác.