Ngày 4/2, Ngân hàng HSBC Việt Nam đã công bố báo cáo Kinh tế Việt Nam – Triển vọng thị trường Việt Nam tháng 1/2013.
Theo đó, HSBC nhận định Việt Nam vừa bước vào năm 2013 với một nền tảng mạnh mẽ hơn và các số liệu kinh tế tích cực hơn trong tháng 1. Chỉ số PMI ngành sản xuất của Việt Nam cho thấy chỉ số phụ về sản lượng đã tăng 3 tháng liên tiếp. Cả nhập khẩu và xuất khẩu đều tăng hơn 40% so với cùng kỳ năm trước, với thặng dư thương mại của tháng Giêng dự kiến là 200 triệu USD. Lạm phát vẫn giữ ở mức một con số kể từ tháng 5/2012 và dòng vốn FDI tăng tốc đáng kể.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet).
HSBC cho rằng, nền kinh tế đang bắt đầu có hướng đi đúng. Sản lượng trong lĩnh vực sản xuất đã cải thiện 3 tháng liên tiếp mặc dù vẫn còn chậm chạp. Các biện pháp chiết khấu, tăng tốc tín dụng đến cuối năm đã giúp kích cầu trong nước. Kết quả là các đơn đặt hàng mới cũng như số lượng mua hàng gia tăng trong tháng Giêng. Sự sụt giảm hàng tồn kho cũng như dự đoán của các nhà sản xuất về nhu cầu tăng cao đã phản ảnh số lượng hàng mua tăng nhanh chính là động lực kích thích cho những tháng sắp tới.
Ngoài ra chỉ số PMI vẫn trên ngưỡng 50 điểm chứng tỏ kế hoạch mở rộng sản xuất vẫn đang tiếp diễn. Trong khi những bất lợi mang tính khách quan như nhu cầu từ các nước thuộc khu vực đồng tiền chung châu Âu yếu sẽ vẫn tồn tại trong quý I/2013 nhưng nhu cầu trong nước đang phục hồi cũng đủ sức giúp lĩnh vực sản xuất tiếp tục theo đuổi quá trình phục hồi từ từ của mình. Chỉ số phụ PMI đáng lo ngại nhất không phải là nhu cầu xuất khẩu tiếp tục giảm mà là sự tăng tốc đáng kể của giá cả đầu vào.
Về lạm phát của Việt Nam, HSBC đánh giá rằng, lạm phát cơ bản (lõi) còn ở mức cao là 12,6% trong tháng 1, so với mức 12,2% vào tháng 12 năm ngoái. Theo báo cáo, việc lạm phát cơ bản cao hơn, đi cùng với giá dầu tăng, đồng nghĩa với việc chỉ số giá tiêu dùng (CPI) có thể tăng mạnh nếu lạm phát giá lương thực cao hơn.
Trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc đang trong tiến trình hồi phục, giá hàng hóa cơ bản trên toàn cầu có thể tăng. Như vậy, Việt Nam sẽ phải thận trọng nếu muốn duy trì tốc độ lạm phát ở mức một con số.
Tuy nhiên, báo cáo cũng nhận định rằng, nhu cầu trong nước dù phục hồi chậm vẫn ở mức yếu sẽ giúp giảm bớt những áp lực giá cả đến từ bên ngoài. Vậy liệu những biện pháp mà Ngân hàng Nhà nước áp dụng gần đây để hỗ trợ nhu cầu trong nước có khiến lạm phát cao hơn?
HSBC cho rằng, điều đó phụ thuộc vào công cụ mà Ngân hàng Nhà nước sử dụng. Nếu Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất OMO - một động thái mà HSBC cho là sẽ không được thực hiện vì lạm phát cơ bản vẫn còn cao – thì tác động đối với tăng trưởng tín dụng sẽ là không đáng kể vì mức tăng trưởng tín dụng thấp hiện nay không phải là do thiếu thanh khoản mà là do thiếu nhu cầu vay vốn trong nền kinh tế.
HSBC khuyến nghị rằng, để giải quyết vấn đề nhu cầu yếu của thị trường nội địa, Chính phủ cần thực hiện các biện pháp nhằm làm sạch khối nợ xấu trong hệ thống, đồng thời tăng hiệu quả của các doanh nghiệp quốc doanh bằng những biện pháp giàu tính thuyết phục.
Cũng theo báo cáo này, trong khi ưu tiên ổn định nền kinh tế vĩ mô hơn tăng trưởng nhanh là một trong những tiến bộ đáng kể đã được thực hiện để đưa nền kinh tế phát triển đúng hướng, một sự lựa chọn khó khăn nhưng rõ ràng phải được thực hiện để nâng cao năng lực sản xuất tổng thể của Việt Nam.
HSBC khuyến nghị, nếu Chính phủ càng sớm đề ra những cải cách cụ thể để tăng hiệu quả của đầu tư công và cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam, thì đất nước càng nhanh chóng thực hiện được những tiềm năng của mình. Trong tương lai không xa, lợi thế của Việt Nam về cạnh tranh nhân công lao động sẽ không còn mà sẽ phải đối mặt với cạnh tranh quốc tế ngày càng gia tăng, đặc biệt là từ các nước ASEAN.
"Lạm phát được kiềm chế sẽ là một bằng chứng để đánh giá hiệu quả và cam kết của Chính phủ đối với nền kinh tế," HSBC nhận định./.