Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Viettel muốn đưa cước cuộc gọi về một giá

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhà mạng kiến nghị Bộ Thông tin và Truyền thông cho phép bỏ khái niệm cước thoại...

Kinhtedothi - Nhà mạng kiến nghị Bộ Thông tin và Truyền thông cho phép bỏ khái niệm cước thoại ngoại mạng, đưa về như nội mạng nhằm kích thích nhu cầu trong bối cảnh người dùng chuộng dịch vụ dữ liệu hơn.

Ông Hoàng Sơn, Phó tổng giám đốc Viettel sáng nay đề xuất Bộ Thông tin và Truyền thông cho phép doanh nghiệp được áp chung một mức giá đối với dịch vụ thoại di động. Theo đó, Viettel muốn bỏ khái niệm "nội mạng-ngoại mạng" và đưa cước cuộc gọi về một giá, bằng mức nội mạng hiện nay. Nếu được Bộ thông qua, nhà mạng cho biết có thể áp dụng ngay trong vòng một tuần kể từ khi nhận được văn bản đồng ý từ cơ quan chủ quản.
Viettel muốn đưa cước cuộc gọi về một giá - Ảnh 1
"Về bản chất là giảm giá dịch vụ, lại giúp mỗi khi người dùng nhấc máy lên gọi, họ sẽ không phải nghĩ thuê bao kia là mạng nào để tìm cách tiết kiệm chi phí", ông Sơn chia sẻ.

Lãnh đạo Viettel cho hay, động thái này nhằm khuyến khích tiêu dùng và hỗ trợ khách hàng tốt hơn trong việc sử dụng dịch vụ di động. Hiện cước ngoại mạng cao hơn 12,6% so với nội mạng. Nếu đề xuất giảm cước được chấp thuận, ông Sơn cho hay trước mắt Viettel sẽ giảm khoảng 77 tỷ đồng doanh thu mỗi tháng, "nhưng về lâu dài sẽ tăng được doanh thu cho nhà mạng nhờ kích cầu".

Đây cũng được xem là giải pháp trước xu hướng dịch vụ thoại giảm và nhu cầu sử dụng dữ liệu (Internet di động - 2G/3G) tăng mạnh. Ngoài ra, các ứng dụng gọi điện, nhắn tin miễn phí qua Internet (OTT) vẫn tạo nhiều sức ép lên doanh nghiệp viễn thông cũng như "miếng bánh" thoại. 

Đại diện Viettel cũng đề nghị Bộ cho giữ nguyên giá dịch vụ 3G như hiện nay. Theo lý giải của Phó tổng giám đốc doanh nghiệp này, lưu lượng và thuê bao sử dụng 3G đều tăng nên giữ giá là điều hợp lý. Ông cho biết số người dùng 3G đã tăng 4,5 triệu lên gần 7 triệu khách hàng, trong đó có 2,5 triệu khách hàng chuyển từ 2G sang. "Năm nay bắt đầu có sự chuyển dịch nhanh hơn sau nhiều năm đầu tư hạ tầng", ông nói.

Cách đây tròn một năm, vào tháng 7/2013, cũng chính Viettel là đơn vị đầu tiên lên tiếng về việc nâng giá cước dịch vụ Internet di động nhằm tránh bán dưới giá thành và giúp doanh nghiệp mau chóng thu hồi vốn để tái đầu tư và nâng cấp cơ sở hạ tầng. Dù vấp phải nhiều phản ứng từ người dùng, chỉ 3 tháng sau đó Bộ đã duyệt phương án và cho phép các doanh nghiệp viễn thông điều chỉnh cước 3G.

Trước đề xuất giảm giá thoại và giữ nguyên cước 3G của đại diện Viettel, ông Phạm Hồng Hải, Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) khẳng định việc điều chỉnh giá thế nào là do doanh nghiệp tự quyết. Tuy nhiên, người đứng đầu Cục khẳng định sẽ yêu cầu Viettel cũng như doanh nghiệp viễn thông khác báo cáo giá thành dịch vụ di động. 

"Nếu họ chứng minh được việc giữ hoặc điều chỉnh không khiến giá dịch vụ bán dưới giá thành thì sẽ xem xét", ông cho biết. Giá thành sẽ là cơ sở để Bộ phê duyệt các đề xuất của nhà mạng về điều chỉnh cước. Theo Luật Viễn thông, những doanh nghiệp có thị phần hạn chế (giữ trên 30% như Viettel, Mobifone, Vinaphone) không được bán dịch vụ dưới giá thành, tránh phá giá và có thêm cơ hội cạnh tranh cho các doanh nghiệp nhỏ hơn.