Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vinashin sẽ gặp nhiều khó khăn trong năm mới

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Theo ông Nguyễn Ngọc Sự, Chủ tịch Hội đồng thành viên Vinashin, trong năm 2011, tập đoàn này chưa thể có lãi. Trong khi đó, hầu hết ngân hàng cho biết chỉ cho vay doanh nghiệp của Vinashin chừng nào tập đoàn này có lãi.

KTĐT - Theo ông Nguyễn Ngọc Sự, Chủ tịch Hội đồng thành viên Vinashin, trong năm 2011, tập đoàn này chưa thể có lãi. Trong khi đó, hầu hết ngân hàng cho biết chỉ cho vay doanh nghiệp của Vinashin chừng nào tập đoàn này có lãi.

Lãi suất cao, khó tiếp cận vốn, đặc biệt là ngoại tệ... là những khó khăn phổ biến được lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty đưa ra trong buổi làm việc với Thủ tướng và thường trực Chính phủ trong ngày 15/2.

Đánh giá 2010 là một năm thắng lợi với việc lần đầu tiên đạt được doanh thu 1,1 tỷ USD từ xuất khẩu nhưng đại diện Tập đoàn Cao su Việt Nam cho rằng, kết quả có thể sẽ tốt hơn nếu không gặp khó khăn về vốn.

Đại diện của Tập đoàn này cho biết, với lãi suất cho vay phổ biến ở mức trên 18% rất ít doanh nghiệp có thể hoạt động hiệu quả, bởi muốn có lãi, giá trị gia tăng của sản phẩm phải lên tới hơn 20%. Do khó khăn này, trong năm 2010, các doanh nghiệp của ngành cao su chủ yếu phải hoạt động nhờ vốn tự có và có lãi do giá cả mặt hàng này trên thị trương quốc tế tăng.

Tuy nhiên, trong năm nay, Tập đoàn Cao su sẽ phải đầu tư khoảng 12.000 tỷ đồng cho sản xuất, trong đó khoảng 7.000 tỷ là vốn vay. Nếu phải vay với mức lãi suất hiện nay, các doanh nghiệp thuộc tập đoàn này khẳng định là "không thể chịu nổi".

Khó khăn về lãi suất cũng được ông Lê Văn Chung, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Xi măng chia sẻ. Theo ông Chung, lãi suất vay hiện phổ biến ở mức 18% nhưng không ít doanh nghiệp phải chịu mức 20% mới mong vay được vốn. Ông này cho rằng cơ quan quản lý cần có chính sách tiền tệ thích hợp trong năm 2011 để giúp doanh nghiệp phát triển ổn định.

Với trường hợp của Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy (Vinashin), khó khăn về vốn ở hiện tại thậm chí còn chồng chất hơn. Hầu hết các ngân hàng đều nhìn các doanh nghiệp của Vinashin với ánh mắt thận trọng, thậm chí e dè.

Theo ông Nguyễn Ngọc Sự, Chủ tịch Hội đồng thành viên Vinashin, trong năm 2011, tập đoàn này chưa thể có lãi. Trong khi đó, hầu hết ngân hàng cho biết chỉ cho vay doanh nghiệp của Vinashin chừng nào tập đoàn này có lãi. "Nếu như vậy thì trong năm 2011, Tập đoàn sẽ không có vốn", ông Sự cho biết.


Trong khi đó, với trường hợp của Tổng công ty Xăng dầu (Petrolimex), vấn đề lại nằm ở ngoại tệ. Theo Tổng giám đốc Petrolimex - Bùi Ngọc Bảo, quyết định điều chỉnh tỷ giá vừa qua có tác dụng thu hút thêm ngoại tệ vào hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, nếu nhà băng không bán ngoại tệ ra thì các doanh nghiệp nhập khẩu, trong đó có nhập xăng dầu, không thể có vốn. Theo kiến nghị của ông Bảo, cơ quan quản lý có thể xem xét cho phép ngân hàng bán ngoại tệ cho doanh nghiệp theo giá thị trường và được kết cấu vào giá.

Lắng nghe các ý kiến cũng như vướng mắc từ phía doanh nghiệp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và thường trực Chính phủ khẳng định sẽ tiếp thu các ý kiến nêu trên, đồng thời sớm giải quyết những đề xuất chính đáng và trong quyền hạn của Chính phủ, đặc biệt là đối với vấn đề Vinashin.

Chính phủ cũng lưu ý các doanh nghiệp 4 vấn đề lớn cần tập trung thực hiện trong năm 2011, bao gồm việc đẩy nhanh tiến độ các dự án, quá trình sắp xếp đổi mới theo hướng cổ phần hóa, kiểm soát nội bộ - rủi ro, đồng thời thực hiện có hiệu quả lộ trình điều chỉnh giá, kiềm chế lạm phát... Thủ tướng cũng giao nhiệm vụ cho các tập đoàn, tổng công ty phải tăng trưởng trung bình khoảng 15% trong năm 2011.

Tổng hợp báo cáo của 21 tập đoàn, Tổng công ty 91 cho thấy, đến hiện tại, tổng vốn chủ sở hữu toàn khối đạt 540.701 tỷ đồng, tăng 11,75% so với 2009. Trong đó, một số tập đoàn đạt mức tăng trưởng mạnh (từ 44-53%) như Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản (TKV), Viettel…

Về cơ bản, đến nay các tập đoàn, tổng công ty đều có tỷ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu nằm trong giới hạn cho phép. Tổng doanh thu toàn khối năm 2010 vượt 22% kế hoạch năm và tăng 36% so với năm 2009.

Có 20/21 tập đoàn, tổng công ty làm ăn có lãi, tổng lợi nhuận trước thuế ước đạt 70.778 tỷ đồng. Tổng nộp ngân sách ước đạt 173.549 tỷ đồng, tăng 31% so với thực hiện năm 2009.