Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vinatex dần hoàn thiện chuỗi cung ứng nguyên liệu

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) và Tập đoàn Dệt may Itochu (Nhật Bản) mới đây đã ký thỏa thuận khung về hợp tác kinh doanh.

Thỏa thuận nhằm mở rộng các dự án kinh doanh về dệt nhuộm hoàn tất và nguyên phụ liệu tại Việt Nam; hợp tác về đào tạo nhân sự cho lĩnh vực dệt nhuộm của Việt Nam và nhất là tận dụng năng lực của chuỗi các xí nghiệp dệt nhuộm của Vinatex ở khu vực miền Trung. Đây cũng được coi là yếu tố quan trọng giúp Vinatex gỡ “nút thắt” dệt nhuộm hoàn tất và xây dựng thành công chuỗi cung ứng toàn diện về dệt may cho Việt Nam.

Itochu là tập đoàn lớn nhất trong ngành Dệt may của Nhật Bản và hiện đã hợp tác kinh doanh với khoảng 100 DN dệt may Việt Nam.

Cơ sở sản xuất dầu ăn phải tách được chất có hại

Trước thực trạng dầu ăn bẩn vẫn được tuồn bán trên thị trường, mới đây Bộ Công Thương đã ban hành thông tư quy định điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh dầu thực vật. Thông tư yêu cầu, giai đoạn tinh luyện dầu thực vật phải bảo đảm tách được các chất có hại hòa tan trong dầu thô, bảo đảm ATTP, không làm biến đổi các chất dinh dưỡng và chất lượng dầu. Khu vực chiết hoặc rót phải tách biệt với các khu vực sản xuất khác; có chế độ kiểm soát các thiết bị trước mỗi lần sản xuất hoặc ca sản xuất để thiết bị luôn hoạt động tốt.

1.600 máy tính ở Việt Nam bị nhiễm virus tống tiền

 Ngày 5/2, đại diện Công ty Bkav có báo cáo cho biết, hiện đã có 1.600 máy tính của người dùng trong nước bị nhiễm virus chuyên mã hóa dữ liệu để tống tiền có tên gọi CTBLocker. Theo các chuyên gia Bkav, số trường hợp nhiễm virus tống tiền CTBLocker trong thực tế có thể lớn hơn nhiều con số trên, bởi lẽ nhiều người sử dụng bị lây nhiễm mã độc nhưng không thông báo.

Để không bị lây nhiễm các loại mã độc tống tiền, các chuyên gia an ninh mạng khuyến nghị người dùng không tùy tiện click vào các đường link nhận được qua chat, thường xuyên backup các file tài liệu và tuyệt đối không mở file đính kèm từ các email không rõ nguồn gốc. Trường hợp bắt buộc phải mở file để xem nội dung, người sử dụng có thể mở trong môi trường cách ly an toàn Safe Run.

Đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động dùng hàng Việt Nam

UBND TP Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 46/KH-UBND về việc triển khai thực hiện Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn Hà Nội giai đoạn 2015 - 2020.

Theo đó, phấn đấu đến năm 2015, 100% người tiêu dùng và 100% DN Hà Nội biết đến Cuộc vận động; tăng thị phần hàng Việt Nam tại kênh phân phối ở các chợ, cửa hàng kinh doanh khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa lên trên 80%, tại các siêu thị là trên 90%; triển khai xây dựng thí điểm các điểm bán hàng Việt Nam cố định và bền vững với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”. Đến năm 2020, trên 80% người tiêu dùng, DN Thủ đô biết đến nhóm các hoạt động phát triển thị trường với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”. UBND TP giao Sở Công Thương chủ trì thực hiện Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động giai đoạn 2015 - 2020. Kết nối giữa DN với ngân hàng giúp các đơn vị sản xuất, kinh doanh hàng Việt Nam tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh.