Nghệ sĩ Văn Hiệp đã vĩnh viễn chia tay cuộc đời và nghệ thuật sau hơn 2 tháng chống chọi với bệnh ung thư phổi. Đạo diễn Đỗ Thanh Hải, người từng mời nghệ sĩ Văn Hiệp đóng phim, hay tham gia chương trình Gặp nhau cuối tuần đã rất bất ngờ trước tin "Ông trưởng thôn" đã ra đi. Bởi theo đạo diễn Đỗ Thanh Hải: "Sức khỏe của nghệ sĩ Văn Hiệp vốn không tốt. Ông bị đau đại tràng, dạ dày rồi viêm phổi. Mọi người cũng biết ông mắc bệnh ung thư phổi hồi trước Tết, nhưng chưa bao giờ nghệ sĩ Văn Hiệp kêu đau đớn, mà vẫn nhiệt tình đọc rồi diễn từng đoạn phân kịch được giao".
Nói về tài năng của nghệ sĩ Văn Hiệp, đạo diễn Đỗ Thanh Hải đã dùng những mỹ từ như: "Tâm huyết, yêu nghề, luôn quan tâm lo lắng cho các đồng nghiệp, Văn Hiệp được mọi người quý, không chỉ vì tài năng, mà còn vì cách sống giản dị, gần gũi của mình".
Nghệ sĩ Văn Hiệp luôn được bạn bè, đồng nghiệp và khán giả yêu mến..
Đạo diễn Phạm Đông Hồng, người có cơ hội làm việc chung với Văn Hiệp trong rất nhiều chương trình hài Tết, không giấu nổi niềm tiếc thương và sự trân trọng tài năng của người nghệ sĩ già nhưng đầy tâm huyết ấy: "Tiểu phẩm hài có sự tham gia của ông, chúng tôi hoàn toàn yên tâm vì lối diễn xuất tự nhiên, có duyên và kết hợp rất ăn ý. Sự xuất hiện của ông trong tiểu phẩm hài đã làm an lòng rất nhiều diễn viên trẻ, đặc biệt là người đạo diễn như tôi".
Tốt nghiệp khóa đầu tiên trường Sân khấu Kịch nói (nay là Đại học Sân khấu Điện ảnh), Văn Hiệp là lớp diễn viên thành danh của Nhà hát Kịch Việt Nam bên cạnh những cái tên Doãn Châu, Trọng Khôi, Doãn Hoàng Giang. Nhưng phải đến vai diễn hài trong vở "Nghêu, Sò, Ốc, Hến", Văn Hiệp mới thật sự ghi được dấu ấn trong lòng khán giả. Về sau, người ta nhớ đến ông nhiều hơn với các vai diễn trong phim truyền hình, đặc biệt là vai Trưởng thôn Văn Hiệp.
Trong suốt sự nghiệp diễn viên dài quá 40 năm, Văn Hiệp đã có mặt trong hơn 1.000 tác phẩm kịch, phim truyện nhưng đến cuối đời, ông vẫn chưa được phong tặng một danh hiệu cao quý nào. Nhưng với ông, "không có danh hiệu nào cao quý bằng danh hiệu được công chúng yêu mến. Mà ngẫm ra, nhiều nghệ sĩ có được danh hiệu do Nhà nước phong tặng cũng chưa chắc đã được đông đảo khán giả công nhận và yêu quý như tôi. Tôi cũng không ước mơ nhiều, nhất là tiền, vì ước nào có được".
Thế hệ của Văn Hiệp đi lên từ khó khăn, nên chỉ tâm niệm một điều làm sao để có thể sống được bằng nghề nhưng điều đó cũng không thành. NSND Doãn Hoàng Giang, NSƯT Lê Chức, và những người đồng nghiệp cùng lứa, đều tiếc nuối cho người nghệ sĩ tài hoa và giản dị. Nhưng biết làm sao được, việc phong tặng danh hiệu nhiều khi bị cứng nhắc bởi đâu phải vở diễn nào, vai diễn nào, dù có thành công vang dội trong lòng công chúng cũng được tặng huy chương.
Trong những trang viết về Văn Hiệp, NSND Doãn Châu nhấn mạnh: "Đối với Văn Hiệp thì lúc này đã quá muộn để anh nhận một danh hiệu. Tôi nghĩ có lẽ anh cũng cảm thấy chuyện đó không quá quan trọng với cuộc đời anh nữa". NSƯT Lê Chức, Phó Chủ tịch Thường trực hội NSSK nói với con trai Văn Hiệp, ông sẽ viết và đọc điếu văn, trong đó có nhắc về nỗi ân hận chưa kịp làm danh hiệu cho người đã mất.
Người nghệ sĩ chân phương này đã ra đi trong bình thản, vì trước khi mất, ông còn căn dặn chuyện hậu sự với cô con gái và đồng nghiệp thân thiết. Lễ viếng ông sẽ diễn ra từ 9 - 11 giờ ngày 11/4 tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng.