6 điểm lún nứt nghiêm trọng trên thân đê
Trước đó, PV báo Kinh tế và Đô thị đã có những bài viết phản ảnh thực trạng lún nứt nghiêm trọng xảy ra trên tuyến đê Bá Hanh (chắn sông Cà Lồ, thuộc địa phận xã Cao Minh, và phường Nam Viêm). Hiện tượng lún nứt tiền ẩn nhiều nguy cơ không đảm bảo an toàn cho cư dân xã Cao Minh và phường Nam Viêm, thành phố Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc, thuộc phạm vi bảo vệ của tuyến đê.
Đến ngày 17/4 vừa qua, tại Quyết định số 539/QĐ-CT về việc công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai trên tuyến đê Cà Lồ - Nam Viêm, UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: Hiện tượng nứt mặt đê xuất hiện từ tháng 7/2023, thời gian đầu các vết nứt nhỏ, ngắn và nông, sau đó trong khoảng thời gian từ tháng 11 đến tháng 12/2023 các vết nứt có diễn biến lan rộng, phức tạp tại những đoạn đê không có khu dân cư.
Những tháng đầu năm 2024, trên địa bàn thành phố Phúc Yên có những đợt mưa lớn cục bộ kết hợp mực nước sông Cà Lồ luôn ở mức thấp dẫn đến hiện tượng nứt mặt đê phát triển mạnh, có những vi trí khe nứt đến 5cm và đang có xu hướng ngày càng phát triển thêm, cả về chiều rộng, chiều dài và chiều sâu.
Về nguyên nhân nứt mặt đê, UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho biết qua kiểm tra, đánh giá sơ bộ nguyên nhân chính gây lún nứt mặt đê là tuyến đê được xây dựng từ lâu, quá trình người dân sinh sống ven đê tiến hành gia cố đắp đê, vật liệu đắp đê không đảm bảo tiêu chuẩn nên còn nhiều ẩn họa trong thân đê.
Theo số liệu khảo sát xác định, địa chất thân đê có hàm lượng bụi 35,2% và hạt sét 31,8% là cao, nên dễ bị trương nở khi có nước, co ngót về mùa khô và có xu hướng gây ra nứt dọc đê (đặc tính của lượng hạt sét lớn) như thực tế đang xảy ra tại tuyến đê Bá Hanh.
Căn cứ mức độ hư hỏng của công trình đê Bá Hanh (đê chắn sông Cà Lồ – Nam Viêm), các biện pháp khẩn cấp ngăn chặn, hạn chế thấp nhất thiệt hại cũng được UBND tỉnh Vĩnh Phúc xác định và có phương án cụ thể: Theo đó, trên tuyến đê có 6 đoạn lún nứt với mức độ hư hỏng được cơ quan chức năng lưu ý gồm:
Đoạn 1 từ K2 +165 đến K2+285 dài khoảng 120m, bề rộng vết nứt khoảng 2 đến 5cm, chiều sâu vết nứt khoảng 10 đến 20cm; Đoạn 2 từ K2+305 đến K2+395 dài khoảng 90m, bề rộng vết nứt khoảng 1 đến 3cm, chiều sâu vết nứt khoảng 10 đến 20cm.
Đoạn 3 từ K2+410 đến K2+590 dài khoảng 180m, bề rộng vết nứt khoảng 1 đến 4cm, chiều sâu vết nứt khoảng 10 đến 25cm, cá biệt có một số chỗ sâu 35cm; Đoạn 4 từ K2+720 đến K3+050 dài khoảng 330m, bề rộng vết nứt khoảng 3 đến 6cm, chiều sâu vết nứt khoảng 30 đến 50cm, cá biệt có một vài vị trí sâu đến 60cm;
Đoạn 5 từ K3+700 đến K3 + 730 dài khoảng 30m, bề rộng vết nứt khoảng 1 đến 2cm, chiều sâu vết nứt khoảng 5 đến 10cm; Đoạn 6 từ K3 + 990 đến K4 + 030 dài khoảng 40m, bề rộng vết nứt khoảng 1 đến 2cm chiều sâu vết nứt khoảng 10 đến 15cm.
Nguy cơ mất an toàn trên tuyến đê là rất cao
Theo đánh giá của các cơ quan chuyên môn, các vết nứt tại những điểm hư hỏng trên thân đê Bá Hanh được xác định có xu hướng phát triển thêm cả về chiều rộng, chiều sâu và chiều dài. Do vậy, UBND tỉnh Vĩnh Phúc xác định nguy cơ mất an toàn trên tuyến đê là rất cao trong mùa mưa lũ năm 2024.
Trong trường hợp vỡ đê thì phạm vi ảnh hưởng lớn, trong đó khu vực bảo vệ của tuyến đê là khoảng 25km2 và gần 40 nghìn người dân đang sinh sống tại các xã, phường gồm: Cao Minh; Nam Viêm; Xuân Hòa; Đồng Xuân (thành phố Phúc Yên tỉnh Vĩnh Phúc); và Minh Phú; Tân Dân; Hiền Ninh; Thanh Xuân; Quang Tiến; Phú Cường (huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội).
Đặc biệt là khả năng ảnh hưởng đến công trình quan trọng quốc gia Sân bay Quốc tế Nội Bài và các công trình hạ tầng quan trọng khác như KĐT lắp máy điện nước; KĐT mới Xuân Hòa; đường Nguyễn Tất Thành; đường tỉnh 310; các công trình công cộng, công trình hạ tầng kinh tế xã hội, các trường học, các di tích lịch sử văn hóa và nhà ở tại các khu dân cư thuộc xã Cao Minh và phường Nam Viêm; phường Phúc Thắng (thành phố Phúc Yên)… thậm chí phải sơ tán một lượng lớn người dân đến nơi an toàn. Do vậy, thiệt hại về kinh tế trong tình huống vỡ đê sẽ vô cùng lớn.
Để ngăn chặn nguy cơ, và giảm tối đa thiệt hại, UBND tỉnh Vĩnh Phúc chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn cấp triển khai thực hiện ứng phó và khắc phục hậu quả lún nứt tại đê Bá Hanh.
Trong đó, giao UBND thành phố Phúc Yên có trách nhiệm duy trì thực hiện việc cảnh báo, thông báo rộng rãi về tình hình sự cố đến toàn thể nhân dân sinh sống trong vùng ảnh hưởng; chuẩn bị vật tư, nhân lực, phương tiện để chủ động và xử lý khi có tình huống bất lợi; nghiên cứu các biện pháp gia cố tạm thời tại các vị trí nứt trên mặt đê, để hạn chế việc lan rộng các vết nứt.
Lập chốt trực, tổ chức phân luồng giao thông, thực hiện biện pháp đảm bảo an toàn giao thông cho người và các phương tiện tham gia giao thông trên tuyến đê. Phối hợp cùng các đơn vị liên quan thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến sự cố;
Trường hợp phát hiện nguy cơ mất an toàn báo cáo ngay về Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của tỉnh; Chủ trì phối hợp với các Sở, ngành liên quan trong quá trình tổ chức thực hiện để tháo gỡ khó khăn vướng mắc kịp thời, sớm hoàn thành việc xử lý sự cố.
Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Vĩnh Phúc có trách nhiệm thường xuyên cập nhật, tổng hợp tình hình thiệt hại do thiên tai gây ra tại thành phố Phúc Yên, tham mưu cho UBND tỉnh Vĩnh Phúc chỉ đạo khắc phục kịp thời. Đồng thời phối hợp cùng UBND thành phố Phúc Yên trong quá trình tổ chức thực hiện.
Các cơ quan đơn vị liên quan căn cứ chức năng quản lý Nhà nước chuyên ngành, có trách nhiệm hướng dẫn, phối hợp, triển khai thực hiện các biện pháp ứng phó nhằm ngăn chặn, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.