Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vĩnh Phúc: Nhà máy giấy Anh Đức ‘vô tư’ xả thải ra môi trường

Tiến Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những người dân tại xã Hợp Thịnh, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc đang phải "sống trong sợ hãi" vì sự ô nhiễm không khí và nguồn nước do các nhà máy tại khu công nghiệp Hợp Thịnh gây ra.

Có “máy xử lý thải” nhưng lại xả trực tiếp ra kênh dẫn nước
Theo phản ánh của người dân xã Hợp Thịnh (huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc), nhiều năm qua, các nhà máy tại địa phương này luôn gây nhiều lo lắng, bất an cho cộng đồng khi ngang nhiên xâm phạm môi trường khá nghiêm trọng. Có thể liệt kê nhiều cái tên trong số này là nhà máy giấy Anh Đức, Công ty thép Việt Nga, Công ty thép Huyền Linh, Công ty thép Thành Đạt ...
 Nước trắng đục xả thải trực tiếp ra môi trường của nhà máy Anh Đức (Ảnh: Hà Thanh)
Quan sát của phóng viên Kinh tế & Đô thị tại kênh dẫn nước, nằm ngay sát và cũng là nơi nhà máy giấy Anh Đức xả thải trực tiếp một lượng lớn nước thải hàng ngày, có thể thấy nước nơi này luôn trong tình trạng vẩn đục cũng như bốc mùi hôi thối do cá chết trôi nổi. Ông Hưng, một người dân tại khu vực này cho biết, trước đây con kênh này có khá nhiều cua, cá nhưng bây giờ nhưng sinh vật này gần như không còn tồn tại.
Cá chết ngoài kênh dẫn nước quanh nhà máy Anh Đức (Ảnh: Hà Thanh)
Anh Sỹ, một người dân khác cho biết, không chỉ xả thải thẳng ra kênh dẫn nước, hàng ngày vào giờ sản xuất, khí thải từ nhà máy giấy cũng luôn là nỗi ám ảnh với người dân. Với mùi khét không thể ngửi nổi, để hạn chế chút ít thứ mùi khó chịu này nhiều người phải đóng kín cửa nhà ngay giữa ban ngày.
Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị tới các cơ quan chức năng của xã, huyện nhưng đến nay vẫn chưa thấy đơn vị nào đứng ra giải quyết. Bản thân tôi và người dân nơi đây cũng chỉ có mong muốn là các cơ sở sản xuất và đặc biệt là nhà máy giấy Anh Đức quan tâm tới việc xử lý nước thải, khí thải nhằm tạo môi trường sống tốt hơn.
Khi đặt vấn đề nhà máy giấy Anh Đức đang "vô tư" gây hại tới môi trường, ông Nguyễn Vinh Hồng, Giám đốc công ty Anh Đức khẳng định nhà máy có xả thải ra kênh mương chung nhưng sau đấy lại hút lại số nước này để sử dụng trong quá trình sản xuất giấy.
 Khu vực xử lý nước thải rêu mọc xanh của nhà máy Anh Đức (Ảnh: Hà Thanh)
Sau khi xây dựng nhà máy vào năm 2006, chúng tôi đã đầu tư máy xử lý nước thải và đã được Sở Tài nguyên môi trường cấp chứng chỉ hoàn thành và 6 tháng một lần chúng tôi có làm báo cáo kiểm soát với Sở. Không những thế, chúng tôi cũng đã ký hợp đồng quan trắc với Sở Tài nguyên môi trường, sau khi có báo cáo quan trắc sẽ gửi trực tiếp tới Chi cục quản lý môi trường, còn chính quyền địa phương chúng tôi không báo cáo, ông Hồng nói thêm.
Tuy nhiên khi phóng viên muốn tiếp cận với hợp đồng và tài liệu báo cáo quan trắc nói trên thì ông Hồng từ chối với lý do người phụ trách lưu giữ các giấy tờ này hiện đang đi vắng.
Nói về tình trạng các nhà máy gây ô nhiễm môi trường tại xã Hợp Thịnh, ông Nguyễn Văn Đạo, Chủ tịch UBND xã, xác nhận chính quyền địa phương đã nhận được nhiều phản ánh của người dân về vấn đề này. Ông chủ tịch xã cho biết, dễ nhận thấy nhất là vào những ngày mưa, nước tại các kênh mương xung quanh các nhà máy giấy, sắt, thép dâng lên có màu đen ngòm, đây đều là nước thải từ các đơn vị này.
Mặc dù vậy, khi được hỏi về việc xử lý đối với các nhà máy xả thải gây ô nhiễm môi trường, ông Đạo cho biết, khu công nghiệp Hợp Thịnh không thuộc quyền quản lý của UBND xã, xã chỉ tiếp thu và gửi lên huyện.
 Máy xả thải han rỉ lâu ngày không được vận hành (Ảnh: Hà Thanh)
Nhưng khi phóng viên Kinh tế & Đô thị phản ánh vấn đề ô nhiễm môi trường tại xã Hợp Thịnh tới cơ quan chức năng huyện Tam Dương lại nhận được câu trả lời hoàn toàn ngược lại. Ông Bùi Văn Quân, Phó trưởng Phòng Tài nguyên môi trường huyện Tam Dương cho biết huyện chưa nhận được bất kỳ thông tin gì về ô nhiễm tại khu vực xã Hợp Thịnh và đặc biệt là của nhà máy giấy Anh Đức. Ông Quân cũng cam kết sau buổi làm việc với báo chí huyện sẽ phối hợp với UBND xã Hợp Thịnh để kiểm tra làm rõ.
Đặt vấn đề muốn tiếp cận những báo cáo quan trắc cũng như phương án bảo vệ môi trường của nhà máy giấy Anh Đức, ông Quân khẳng định doanh nghiệp chưa gửi những giấy tờ trên lên huyện.
Nhằm làm rõ hơn những thông tin liên quan đến báo cáo quan trắc của nhà máy giấy Anh Đức, phóng viên đã liên hệ tới Chi cục Bảo vệ môi trường Vĩnh Phúc. Nhưng thêm một lần nữa phóng viên lại bị từ chối tiếp cận với các tài liệu này khi Chi cục Trưởng Nguyễn Bá Hiến lấy lý do bộ phận phòng ban của chi cục đang chuyển văn phòng.
Nhà máy giấy thải ra môi trường những gì?
Ông Văn Hữu Tập, Giảng viên Khoa Khoa học Môi trường và Trái đất – Trường Đại học Khoa học – Đại học Thái Nguyên cho biết “Trong quá trình sản xuất giấy, khí thải phát sinh nhiều nhất ở khâu sấy giấy. Tại lò sấy giấy khí thải hình thành do quá trình đốt nhiên liệu cháy là than kíp lê Quảng Ninh (Antraxit). Nếu nhà máy với công suất 5.000 tấn giấy/năm (Khoảng 15 – 16 tấn giấy/ngày) sử dụng 1.700 tấn than/năm thì mỗi giờ Nhà máy tiêu tốn hết 102 kg than.
Còn đối với nước thải trong sản xuất giấy, cũng theo ông Tập, đầu vào để làm giấy bao gồm: Bột giấy bán hóa học, bột giấy cơ học, sợi bột tái chế, giấy vụn nghiền và các chất phụ gia khác nhau. Nhu cầu sử dụng nước để pha loãng bột giấy để tạo hình nên tờ giấy rất lớn, ít nhất là 100 m3/tấn giấy. 20 % lượng nước này nằm trong tờ giấy ướt và được thải ra môi trường qua hình thức bốc hơi ở công đoạn sấy. Khoảng 50% được trích ra ở các khâu lưới, ép. Khoảng 30% là lượng nước trắng dưới lưới được sử dụng lại để pha loãng bột giấy. Vậy để sản xuất 1 tấn giấy Nhà máy thải ra 50 m3 nước thải, trong 1 ngày đêm thải ra 700 – 800 m3 nước.