Vitamin C (acid ascorbic) là vi chất dinh dưỡng giữ vai trò hết sức quan trọng đối với sức khỏe của con người, nếu thiếu nó sẽ để lại nhiều tác hại to lớn.
Cho nên, chúng ta cần chế độ ăn hợp lý hằng ngày, trong đó phải chú trọng vitamin C đủ cả về số lượng cũng như chất lượng.
Vai trò của vitamin C
Vitamin C là một chất dinh dưỡng thiết yếu cho các loài linh trưởng bậc cao, và cho một số nhỏ các loài khác. Vitamin C có nguồn gốc nhiều trong các loại rau quả tươi như: cam, chanh, quít, và có hàm lượng cao trong rau xanh, đặc biệt là bông cải xanh, tiêu, khoai tây, rau cải, cà chua, cam, quít, chanh, bưởi… Vitamin C với nhiều chức năng quan trọng, là thành phần chính để giúp cơ thể sản xuất collagen, một protein quan trọng cho các mô liên kết, cấu trúc cơ thể với nhau đặc biệt trong sụn khớp và các dây chằng. Vitamin C giúp cho sự mau lành vết thương, sự chắc khỏe cho hệ thống nướu răng, ngăn ngừa các mảng bầm ở trên da.
Đặc biệt, vitamin C còn có chức năng miễn dịch. Các nhà khoa học đã thấy rằng vitamin C làm tăng cường hệ thống miễn dịch, giúp cơ thể ngăn ngừa và điều trị cảm cúm thông thường, chống nhiễm trùng, nếu thiếu hoặc suy giảm lượng dự trữ trong các bạch cầu, nhất là Lymphocyte, thì nhiễm trùng nhanh chóng tăng lên.
Vitamin C cũng hoạt động cùng với các enzyme chống oxy hóa khác như: Glutathione peroxidadase, Catalase và Superoxide dismutase; hỗ trợ cho vitamin E trong vai trò chống oxy hóa trong cơ thể, tăng cường hiệu lực của vitamin E; cùng với vitamin E, glutathione đảm đương vai trò chống đỡ và ngăn ngừa các tổn thương do các gốc tự do. Nếu thiếu glutathione sẽ dẫn đến các tế bào hồng cầu, bạch cầu và mô thần kinh bị ảnh hưởng, hậu quả là vỡ hồng cầu, giảm chức năng bạch cầu và thoái hóa mô thần kinh. Với liều 500mg mỗi ngày, vitamin C đảm bảo duy trì nồng độ phù hợp glutathione hồng cầu. Vitamin C cũng là một chất dinh dưỡng chống oxy hóa rất quan trọng, tham gia sản xuất một số chất dẫn truyền thần kinh và hoóc-môn, tổng hợp hấp thụ và sử dụng các yếu tố dinh dưỡng khác. Các nhà khoa cũng thấy rằng, vitamin C rất hữu ích cho người bệnh nhân hen suyễn, nhờ làm giảm nồng độ histamine, và được xem như là một chất kháng histamine tự nhiên…
Không để thừa - thiếu
Tuy nhiên, với chức năng quan trọng đối với cơ thể thì vitamin C vẫn là con dao hai lưỡi, vì thiếu hay thừa đều có thể tác hại nhất định cho cơ thể.
Giai đoạn đầu thiếu vitamin C thường có các dấu hiệu không điển hình, chủ yếu là mệt mỏi, suy nhược. Khi bệnh phát triển, một số triệu chứng sẽ xuất hiện như: tăng sừng hóa quanh lỗ chân lông, ban xuất huyết, đau ở các chi, chảy máu xung quanh các nang lông, thường gặp ở chi dưới như: đầu gối, bàn chân, mặt sau đùi, ở các chỗ hay bị đè ép, va chạm; hiện tượng chảy máu dưới da và trong cơ thể xuất hiện ở vùng bả vai, mắt cá, cùng với chảy máu dưới màng xương, màng phổi. Thiếu vitamin C, sức đề kháng của cơ thể giảm, dễ mắc các bệnh nhiễm khuẩn và viêm phổi; là nguyên nhân của thiếu máu nhược sắc do thiếu sắt, giảm hàm lượng cholesterol trong máu. Thiếu vitamin C gây ra bệnh Scorbut, với biểu hiện ở người lớn thì viêm lợi, chảy máu chân răng; tụ máu dưới màng xương, đốm xuất huyết, tăng sừng hóa ở nang lông. Nếu không điều trị có thể tử vong do chảy máu ồ ạt hoặc do thiếu máu cục bộ cơ tim. Ở trẻ còn bú, thường do chế độ ăn nhân tạo, bị chảy máu dưới màng xương, nhất là chi dưới; dễ chảy máu dưới da; vết thương lâu lành.
Vitamin C tuy ít khi tích lũy trong cơ thể, nhưng nếu dùng vitamin C liều cao trên 1g/ngày với thời gian dài sẽ dẫn đến viêm loét dạ dày-tá tràng, tiêu chảy và đau bụng, ngoài ra còn có thể đọng oxalate, urat dễ gây sỏi thận. Nếu dùng đường tiêm liều cao có thể gây tán huyết làm giảm thời gian đông máu, giảm độ bền hồng cầu. Ở sản phụ, nếu dùng vitamin C liều cao kéo dài sẽ gây tăng nhu cầu bất thường về vitamin C ở thai dẫn đến bệnh Scorbut sớm ở trẻ sơ sinh, có khả năng tăng nguy cơ gây dị tật bẩm sinh ở trẻ.
Với tính chất quan trọng như vậy, nhu cầu vitamin C của mỗi người chúng ta hàng ngày là bao nhiêu? Theo khẩu phần dinh dưỡng được khuyến khích (RDA), nhu cầu vitamin C là 60mg/ngày. Nhu cầu này tăng lên với phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con bú, giai đoạn cần tăng trưởng nhanh như: thiếu niên tuổi dậy thì, người già, người làm việc ở môi trường nhiệt độ cao… liều dùng hằng ngày đối với trẻ sơ sinh đến 3 tuổi ở vào khoảng 25 - 30mg từ 4 - 18 tuổi cơ thể có nhu cầu khoảng 30 - 40mg mỗi ngày. Đối với người trưởng thành, nhu cầu trung bình là 45mg/ngày. Ở phụ nữ mang thai, nhu cầu là 55mg/ngày và phụ nữ cho con bú là 70mg/ngày.
Thiếu vitamin C sẽ dễ bị cảm cúm.
|