Kinhtedothi - Thông tin bãi rác lớn nhất và duy nhất của TP Hòa Bình hàng ngày rỉ ra sông Đà hàng chục khối nước thải, gây ô nhiễm nguồn nước mặt của Nhà máy nước mặt sông Đà khiến hàng vạn người dân Thủ đô hoang mang. Để làm rõ sự việc cũng như những tác động đến chất lượng nước sạch được khai thác từ nguồn nước mặt sông Đà, phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với ông Trương Quốc Dương - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Nước sạch Vinaconex (Viwasupco).
Ông Trương Quốc Dương cho biết: Bãi rác Dốc Búng, ở phường Tân Hòa, TP Hòa Bình đã hoạt động từ lâu. Bãi rác này cách điểm lấy nước của nhà máy khoảng 15km, ở phía bên kia của sông. Mà sông Đà có lòng sông rất lớn, khoảng 1km. Ngoài khoảng cách 15km tính từ bãi rác đến điểm lấy nước thô của nhà máy, còn có 3,3km kênh dẫn nước thô từ điểm lấy nước vào đến trạm bơm xông. Từ trạm bơm xông bơm nước lên hồ Đầm Bài. Nước thô được sơ lắng tại hồ Đầm Bài. Do vậy mức độ ảnh hưởng của nước thải từ bãi rác đối với chất lượng nước thô lấy từ sông Đà tương đối ít. Khi lấy nước thô từ sông Đà, chúng tôi đã có kiểm tra các chỉ tiêu nước thô. Cứ 6 tháng Trung tâm Y tế Dự phòng TP Hà Nội lại tiến hành xét nghiệm các chỉ tiêu mức độ B. Công ty tự kiểm tra chỉ tiêu mức độ B theo định kỳ 1 tháng 1 lần.
Vậy chất lượng nước đầu ra được kiểm tra như thế nào, thưa ông?
- Nước sạch đầu ra cấp cho người dân sử dụng được kiểm tra thường xuyên. Chỉ tiêu mức độ A (bao gồm 17 chỉ tiêu - PV) được tiến hành kiểm tra 1 tuần 1 lần, chỉ tiêu mức độ B (bao gồm 27 chỉ tiêu - PV) 6 tháng kiểm tra 1 lần. Chỉ tiêu mức độ C với gần 100 chỉ tiêu được kiểm tra 2 năm 1 lần. Đó là Công ty chủ động kiểm tra. Còn Trung tâm Y tế Dự phòng TP Hà Nội cũng tiến hành kiểm tra thường xuyên, định kỳ với các chỉ tiêu mức độ A, B. Tất cả các kết quả kiểm tra từ nước thô đến nước sạch đều đáp ứng Quy chuẩn Việt Nam về nước sạch dùng cho sinh hoạt. Mẫu nước thô được mang xét nghiệm, kiểm tra chất lượng lần gần nhất là vào tháng 5/2014, với nước sạch là vào tháng 10/2014.
Có ý kiến cho rằng, nguồn nước mặt dễ bị "tổn thương" hơn nguồn nước ngầm. Qua thực tế vận hành Nhà máy nước mặt sông Đà, ông có ý kiến gì về nhận định này?
- Về nhận định này tôi không có ý kiến. Nhưng thực tế quy trình kiểm soát chất lượng nước mặt sông Đà được tiến hành nghiêm ngặt. Chúng tôi thường xuyên phối hợp với tỉnh Hòa Bình để có biện pháp bảo vệ. Từ trước đến nay, chưa có một sự cố nào xảy ra với nguồn nước mặt công ty sử dụng.
Chúng tôi đưa việc bảo vệ nguồn nước vào Chương trình bảo vệ an toàn nguồn nước của tỉnh Hòa Bình. Tỉnh đã phối hợp với chúng tôi để tuyên truyền, vận động các hộ dân cam kết không xả thải, không gây ô nhiễm nguồn nước mặt. Công ty cũng đã kết hợp với Công an tỉnh Hòa Bình và các huyện tổ chức tập huấn, kiểm tra nguồn nước. Nhìn chung ý thức của người dân Hòa Bình đối với việc bảo vệ nguồn nước là rất tốt.
Cho dù phía Công ty khẳng định ảnh hưởng của nước thải từ bãi rác Dốc Búng đến chất lượng nước mặt sông Đà là ít nhưng cũng cần có động thái để hạn chế tối đa những nguy cơ?
- Chúng tôi đã thường xuyên trao đổi với tỉnh Hòa Bình về vấn đề này. Ngày 24/11/2014, Công ty đã có Văn bản số 432/2014/CV-TCHC gửi đến UBND tỉnh Hòa Bình về việc hạn chế ảnh hưởng do ô nhiễm từ bãi rác TP Hòa Bình đến chất lượng nước mặt sông Đà. Chúng tôi cũng xác định vấn đề này là nguy cơ làm ảnh hưởng đến chất lượng nước mặt sông Đà và để đảm bảo an ninh nguồn nước, kế hoạch cấp nước sạch phục vụ người dân Thủ đô, Công ty đã đề nghị UBND tỉnh Hòa Bình kịp thời có các giải pháp cũng như chỉ đạo các sở, ngành liên quan và UBND TP Hòa Bình thực hiện các phương án xử lý triệt để nguồn xả thải từ bãi rác. Qua làm việc với tỉnh Hòa Bình, chúng tôi được biết tỉnh đã có kế hoạch chuyển bãi rác sang vị trí khác.
Đây là năm thứ 6 Nhà máy nước mặt sông Đà đi vào hoạt động. Qua quá trình kiểm nghiệm chất lượng nước thô, các chỉ tiêu của nước mặt sông Đà có sự thay đổi theo thời gian không, thưa ông?
- Qua quá trình kiểm tra chất lượng nước thô, chúng tôi không thấy có một sự biến động nào đặc biệt. Chất lượng nước, các chỉ tiêu vẫn ổn định. Sự thay đổi có chăng chỉ vào mùa mưa lũ, nước sông thường đục hơn, đây là chuyện hết sức bình thường và vấn đề này được xử lý theo quy trình sản xuất nước sạch.
Là đại diện cho Viwasupco, thông qua báo Kinh tế & Đô thị ông có thể gửi thông điệp, cam kết tới người dân về chất lượng nước sạch của Nhà máy nước mặt sông Đà?
- Chúng tôi cam kết và khẳng định với người dân Hà Nội là chất lượng nước sạch của nhà máy trong 6 năm qua và trong tương lai sẽ luôn đảm bảo các chỉ tiêu. Chúng tôi là một trong các công ty cấp nước đã xét nghiệm và đạt chỉ tiêu mức độ C, đây là mức độ rất khó đạt với gần 100 chỉ tiêu.
Xin cảm ơn ông!
Hệ thống lọc nước tại Nhà máy nước mặt sông Đà. Ảnh: Thanh Hải
|
Giám đốc TTYT Dự phòng Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm: Các mẫu xét nghiệm chất lượng nước đều nằm trong ngưỡng cho phép Từ trước đến nay, việc thanh, kiểm tra chất lượng nước vẫn được tiến hành định kỳ, thường xuyên với sự tham gia của 4 ngành chức năng: Sở Xây dựng, Sở NN&PTNT, Sở TN&MT và Sở Y tế Hà Nội. Trách nhiệm quản lý cũng rất rõ ràng: Sở Xây dựng chịu trách nhiệm quản lý nước sạch đô thị; Sở NN&PTNT quản lý nguồn nước ở khu vực nông thôn; Sở TN&MT cấp phép cho việc khoan giếng và Sở Y tế chịu trách nhiệm giám sát chất lượng nước. Theo quy định của Bộ Y tế, việc giám sát chất lượng nước sinh hoạt được tiến hành 1 tháng/lần kiểm tra chỉ tiêu A, 6 tháng/lần kiểm tra chỉ tiêu B về lý hóa, vi sinh để đánh giá mức độ ảnh hưởng đến sức khỏe của người sử dụng. Liên quan đến thông tin bãi rác tạm Dốc Búng, TP Hòa Bình nằm bên bờ trái sông Đà, cách nơi sản xuất nước của Nhà máy Vinaconex 15km khiến người dân lo lắng về chất lượng nước. Bãi rác này hoạt động từ năm 2003 đến nay, không ảnh hưởng đến nguồn nước sông Đà. Qua kiểm tra cho thấy, từ cửa kênh sông đến nhà máy nước đều có chế độ vệ sinh, không có nguồn có nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước sông. Tại Hà Nội, từ đầu năm đến nay, qua các đợt xét nghiệm chất lượng nước, 10/10 mẫu nước đều đạt quy chuẩn kỹ thuật về các chỉ tiêu A và B. Riêng tháng 11, chúng tôi đã lấy 2 mẫu nước, 1 mẫu trước xử lý và 1 mẫu nước sạch sau xử lý tại họng nước trước Trung tâm Hội nghị Quốc gia làm xét nghiệm vào ngày 19/11, tính đến cuối giờ chiều ngày 25/11 chưa có kết quả. (Hải Lý ghi) |