Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

VN-Index tăng điểm: Triển vọng đầu tư nhóm cổ phiếu ngân hàng, bất động sản

Hà Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau thời gian dài lao dốc không phanh với mức giảm 18,19% trong quý II/2018, trở thành thị trường giảm mạnh nhất thế giới, từ nửa cuối tháng 8 năm nay, VN-Index đã bắt đầu có những vận động tích cực và trên đường trở lại mốc 1.000 điểm.

 Khách hàng giao dịch tại sàn giao dịch BVSC Hà Nội. Ảnh: Trần Việt 

Định giá hợp lý hơn
Phiên giao dịch ngày 28/8, thị trường dù trong xu hướng giằng co vẫn tăng điểm nhẹ. VN-Index tăng 3,27 điểm (0,33%) lên 995,19 điểm. Toàn sàn có 150 mã tăng, 140 mã giảm và 49 mã đứng giá. HNX-Index tăng 0,62 điểm (0,56%) lên 112,24 điểm. Toàn sàn có 87 mã tăng, 75 mã giảm và 57 mã đứng giá
Các cổ phiếu vốn hóa lớn trên thị trường vẫn có sự phân hóa mạnh. Tuy vậy, các chỉ số thị trường vẫn duy trì được sắc xanh nhờ vào lực đỡ tốt đến từ các cổ phiếu như: GAS, SSI, SHB, ROS, HPG… Trong đó, HPG tăng 2,4% và đột biến giao dịch khớp lệnh với 11 triệu cổ phiếu, SSI tăng 2,8% lên 31.700 đồng/cổ phiếu và khớp lệnh 7 triệu cổ phiếu, GAS tăng 2%, ROS tăng 3,6%, VCB tăng 1,4%.
“Lượng margin (giao dịch ký quỹ) tại công ty chứng khoán giảm 40 -50% trong thời gian qua, khi thị trường có mức định giá hấp dẫn. Dòng vốn này sẽ được kích hoạt trở lại thị trường, hỗ trợ thêm cho tính hấp hẫn đối với nhà đầu tư ngoại”.

Trưởng phòng Phân tích Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam Hoàng Huy
Ngược lại, áp lực đến từ nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn khác nên các chỉ số chung chỉ có được mức tăng điểm nhẹ. Các mã như: HSG, VHM, TCB, MWG, NVL, BID… vẫn chìm trong sắc đỏ. VHM giảm 0,4% xuống 111.000 đồng/cổ phiếu. VNM giảm 0,6% xuống 159.300 đồng/cổ phiếu. HSG giảm sâu 2,3% xuống 10.750 đồng/cổ phiếu và khớp lệnh 3,4 triệu cổ phiếu.
Đánh giá về thị trường hiện tại, Giám đốc điều hành khối khách hàng tổ chức của Công ty TCK Bản Việt Michel Tosto cho biết, khả năng cuộc chiến thương mại lan truyền tới Việt Nam trở nên “xa vời” hơn. Lạm phát được dự báo sẽ được kiểm soát tốt hơn và đồng Việt Nam đã trở nên ổn định hơn. “Tất cả những yếu tố trên đã đem cảm giác yên bình tới TTCK và tâm trí nhà đầu tư lại tập trung vào lợi nhuận DN. Ngoài ra, mức định giá hiện đang hợp lý hơn so với mức đỉnh hồi giữa tháng 3/2018” - ông Michel Tosto nói.

Mã nào hấp dẫn?

Về triển vọng TTCK các tháng cuối năm, báo cáo của Công ty CP Chứng khoán KIS Việt Nam (KIS) nhận định, nhiều khả năng VN-Index sẽ tích lũy trong vùng 900 – 1.000 điểm vào cuối quý III/2018 trước khi quay trở lại đỉnh cũ trong quý IV.
Sau quý II/2018, VN-Index có mức P/E (giá cổ phiếu trên lợi nhuận) tương đương với các chỉ số chứng khoán trong khu vực như: Malaysia, Indonesia, Thái Lan. Các chuyên gia KIS Việt Nam cho rằng, đây là yếu tố hỗ trợ dòng vốn quay lại thị trường Việt Nam thời gian tới. KIS đánh giá tích cực đối với nhóm ngành ngân hàng, điện, dầu khí, cảng biển và bất động sản khu công nghiệp, trong khi giữ triển vọng trung lập đối với nhóm ngành bất động sản nhà ở, thép, thực phẩm và dịch vụ ăn uống, dược phẩm và hàng không.
Dè dặt hơn, Công ty CP Chứng khoán MB (MBS) đánh giá, VN-Index cuối năm có khả năng dao động quanh vùng 880 - 1080 điểm và khó có thể tăng mạnh hay giảm mạnh như giai đoạn trước. Các cơ hội đối với thị trường chứng khoán Việt Nam những tháng cuối năm bao gồm việc Việt Nam có tốc độ tăng trưởng GDP nằm trong top cao nhất tại khu vực Đông Nam Á và châu Á với khả năng thu hút FDI tốt, nền tảng vĩ mô (tỷ giá, lãi suất, lạm phát…) giữ ổn định.
Việt Nam hướng đến câu chuyện nâng hạng thị trường trong thời gian tới khi quy mô thị trường tăng trưởng mạnh, chất lượng hàng hóa ngày càng được củng cố. Bên cạnh đó, lợi nhuận của DN tiếp tục duy trì tăng trưởng, mặt bằng định giá giảm về mức tương đối hấp dẫn. Ngoài ra, dòng vốn ngoại khả năng sẽ quay trở lại khi rủi ro của khu vực EM giảm bớt, chọn lọc các thị trường có tốc độ tăng trưởng cao, tỷ giá tương đối ổn định, FDI tốt và có thặng dư thương mại.
Các nhóm ngành tiêu điểm mà MBS đề cập đến là: Ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, xây dựng, hàng tiêu dùng và bán lẻ, công nghệ, vật liệu xây dựng (gạch, ốp lát, đá xây dựng, thép và nhựa), sản xuất điện và xây lắp điện, dầu khí, hàng không.