Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

VN-Index tiếp tục lao dốc: Thận trọng trong đầu tư

Hà Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phiên giao dịch đầu tuần ngày 15/10, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam tiếp tục diễn biến theo hướng tiêu cực theo đà giảm của chứng khoán thế giới.

Theo các chuyên gia phân tích, trong giai đoạn biến động mạnh như hiện tại thì nhà đầu tư cần chú ý đến việc quản trị rủi ro cũng như tránh lạm dụng đòn bẩy, đồng thời có thể cân nhắc chờ đợi thời điểm thị trường ổn định trở lại trước khi tìm kiếm cơ hội đầu tư mới.
VN-Index giảm hơn 18 điểm

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 18,44 điểm (-1,9%) xuống 951,64 điểm. Toàn sàn có 111 mã tăng, 191 mã giảm và 41 mã đứng giá. HNX-Index giảm 2,08 điểm (-1,9%) xuống 107,67 điểm. Toàn sàn có 74 mã tăng, 78 mã giảm và 60 mã đứng giá. Lực bán lan rộng đến nhiều nhóm cổ phiếu trong phiên chiều, trong đó, các cổ phiếu vốn hóa lớn đã lao dốc rất mạnh và khiến áp lực lên thị trường chung ngày càng lớn.
 Khách hàng theo dõi thông tin chỉ số tại một sàn chứng khoán ở Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng 
Cụ thể, VHM giảm sâu 5,1% xuống chỉ còn 73.100 đồng/CP. MSN giảm 3,4% xuống 78.500 đồng/CP. Hai nhóm cổ phiếu ngân hàng và dầu khí đã có một phiên giao dịch khá xấu. Ở nhóm ngân hàng, ACB, BID, CTG, HDB, MBB, TPB, VPB… đều giảm giá trên 2%. TPB giảm 4,6% xuống 24.000 đồng/CP. BID giảm 3,6% xuống 32.600 đồng/CP. ACB cũng giảm 3,1% xuống 31.000 đồng/CP. Nhóm dầu khí cũng không khá khẩm hơn. PVC giảm 5,3%, PVD giảm 2,5%, PVS giảm 5,7%, GAS giảm 4,1%.

Nguyên nhân TTCK Việt Nam giảm sâu phiên đầu tuần là theo diễn biến của TTCK thế giới. Ngày 15/10, các thị trường châu Á tiếp tục giảm điểm khi nhà đầu tư vẫn thận trọng sau đợt giảm mạnh tuần trước.

Chú ý quản trị rủi ro, cân nhắc cơ hội mua vào

Theo các chuyên gia phân tích, trong bối cảnh thị trường giảm điểm mạnh, nhà đầu tư cần chú ý đến quản trị rủi ro, đồng thời cân nhắc cơ hội mua vào ở thời điểm phù hợp.

Theo Phó Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam (VNCS) Đỗ Bảo Ngọc, đợt điều chỉnh này sẽ tạo ra cơ hội mua cổ phiếu giá tốt, đặc biệt là với những DN có kết quả kinh doanh tốt trong 6 tháng đầu năm và được dự báo tiếp tục có kết quả cao trong quý III, cũng như cả năm 2018. “Ưu tiên việc quan sát để chờ cơ hội giải ngân cho những nhóm ngành có kết quả kinh doanh tăng trưởng cao và đóng vai trò dẫn dắt thị trường như ngân hàng, chứng khoán, hàng tiêu dùng - bán lẻ, vật liệu xây dựng… là một gợi ý mà chúng tôi đưa ra cho nhà đầu tư. Nguyên nhân là vì các cổ phiếu đầu ngành thuộc các nhóm này đều được dự báo có kết quả kinh doanh tích cực trong quý III và cả năm 2018" - ông Ngọc khuyến nghị.

Báo cáo của Công ty CP Chứng khoán Vietcombank (VCBS) đánh giá, mức độ biến động của chỉ số đang có xu hướng mở rộng ra kể từ tháng 8 tới nay. Mặc dù chỉ số vẫn đang dao động quanh ngưỡng 950 điểm, nhưng biên độ dao động đã gia tăng lên khoảng 50 điểm và mức độ biến động theo phiên cũng lớn hơn với những nhịp điều chỉnh giảm nhanh và khá “sốc”. Theo đó, trong giai đoạn biến động mạnh như hiện tại thì nhà đầu tư cần chú ý đến việc quản trị rủi ro cũng như tránh lạm dụng đòn bẩy, đồng thời có thể cân nhắc chờ đợi thời điểm thị trường ổn định trở lại trước khi tìm kiếm cơ hội đầu tư mới.

Trong phiên 15/10, khối ngoại mua vào 22,8 triệu cổ phiếu, trị giá 631 tỷ đồng, trong khi bán ra 18,7 triệu cổ phiếu, trị giá 561 tỷ đồng. Tổng khối lượng mua ròng đạt 4,2 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị mua ròng đạt gần 70 tỷ đồng.


“Trong tuần giao dịch từ 15/10 - 19/10, dự báo VN-Index có thể sẽ đi ngang và hướng lên với mục tiêu là vùng 975 – 995 điểm. Nhà đầu tư cần quan sát kỹ thị trường trong phiên, nhất là tại vùng giá nhạy cảm 975 - 995 điểm và có thể cân nhắc chốt lời hàng bắt đáy hoặc hạ tỷ trọng tại đây. Vùng 930 - 940 điểm sẽ tiếp tục là hỗ trợ quan trọng của thị trường và chỉ khi vùng này bị xuyên thủng, xu hướng của VN-Index mới thực sự trở nên tiêu cực”. - Đại diện Công ty Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội