Vanesa Benitez, một nhà nghiên cứu thuộc khoa Hóa học Nông nghiệp trường Đại học Autonomous ở Madrid (Tây Ban Nha) cho biết: “Một giải pháp mới vừa được phát hiện đó là sử dụng vỏ hành như nguồn nguyên liệu tự nhiên nhiều chức năng, bởi loại củ này chứa nhiều chất có lợi cho sức khỏe con người”. Nhóm nghiên cứu của Benitez đã hợp tác với các nhà khoa học của trường Đại học Cranfield (Anh) tiến hành các thí nghiệm để xác định các hợp chất và cách sử dụng của mỗi phần trong củ hành. Theo như nghiên cứu, lớp vỏ màu nâu vàng của củ hành có thể được sử dụng như một thành phần chức năng cung cấp nhiều chất xơ (đặc biệt là loại chất không hòa tan) và các hợp chất phenon, như quercetin và flavonoids (chất trao đổi thực vật có tác dụng chữa bệnh). Hai lớp vỏ tươi bên ngoài củ hành chứa nhiều chất xơ và flavonoid. “Ăn nhiều chất xơ sẽ giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, đường ruột, ung thư ruột kết, tiểu đường tuýp 2 và béo phì”, một nhà nghiên cứu cho biết thêm. Hợp chất phenon, trong khi đó, lại giúp ngăn ngừa các bệnh nhồi máu cơ tim và có chứa những chất chống ung thư. Một lượng lớn các hợp chất này trong lớp vỏ hành khô và vỏ ngoài của thân hành cũng có nhiều chất chống ô-xy hóa. Nghiên cứu này được đăng tải trên tạp chí Plant Foods for Human Nutrition.