KTĐT - Kết quả cho thấy, nếu tuổi vợ hơn chồng từ 5 tuổi trở lên, nguy cơ tan vỡ hôn nhân cao gấp 3 lần so với những gia đình mà vợ chồng bằng tuổi nhau. Ngược lại, những gia đình mà trong đó chồng nhiều hơn vợ ít nhất 5 tuổi có nguy cơ ly dị thấp nhất.
Ai đó có thể nói rằng không có công thức nào có thể áp dụng cho tình yêu. Tuy nhiên, các nhà khoa học Anh lại đưa ra một công thức có phần rất khô khan cho những cặp đôi muốn đi đến kết hôn. Từ một nghiên cứu, họ đã kết luận rằng một cuộc hôn nhân muốn bền vững thì người vợ phải ít hơn chồng ít nhất 5 tuổi.
Vợ hơn chồng nhiều tuổi, nguy cơ ly dị cao
Kết quả đáng ngạc nhiên từ nghiên cứu này cho thấy khi người vợ thông minh hơn chồng, hôn nhân sẽ êm đẹp hơn và dù tình yêu có lãng mạn đến mấy, các nhà tâm lý của Đại học Bath (Anh) vẫn khẳng định một công thức khô khan để dự báo mức độ hợp nhau giữa các cặp uyên ương dựa trên 3 yếu tố: Tuổi tác, học vấn và các mối quan hệ tình cảm trước đó.
TS Emmanuel Fragniere – trưởng nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Bath cùng một số cộng sự phỏng vấn hơn 1.500 cặp vợ chồng hoặc chung sống như vợ chồng vào năm 2004. Tới năm nay họ theo dõi 1.000 cặp để xem những đôi nào đã tan vỡ. Từ kết quả đó các nhà tâm lý có thể xác định những nhân tố có thể tạo nên một cuộc hôn nhân hoàn hảo và cả những nhân tố giết chết tình yêu lãng mạn.
Kết quả cho thấy, nếu tuổi vợ hơn chồng từ 5 tuổi trở lên, nguy cơ tan vỡ hôn nhân cao gấp 3 lần so với những gia đình mà vợ chồng bằng tuổi nhau. Ngược lại, những gia đình mà trong đó chồng nhiều hơn vợ ít nhất 5 tuổi có nguy cơ ly dị thấp nhất.
Học vấn cao cũng đóng vai trò quan trọng đối với mức độ bền vững của gia đình. Nhóm nghiên cứu cho biết, học vấn của hai vợ chồng càng cao thì số năm chung sống càng tăng. Tương lai của gia đình càng trở nên sáng sủa hơn nếu người vợ có học vấn cao hơn chồng (thể hiện qua bằng cấp hoặc vị trí trong xã hội). Nếu chỉ một trong hai vợ chồng từng ly dị, nguy cơ cặp đó tan vỡ cao hơn nhiều so với trường hợp cả hai cùng từng ly dị.
Lên tiếng trên tạp chí Operational Research, nhóm nghiên cứu kết luận: "Dường như đàn ông và phụ nữ đều chọn bạn đời dựa trên nền tảng tình yêu, mức độ hấp dẫn về ngoại hình cũng như sự tương đồng về sở thích, tín ngưỡng, giá trị cuộc sống và quan điểm. Nhưng tuổi tác, nền tảng văn hóa và trình độ học vấn lại quyết định mức độ bền vững của hôn nhân". Theo đó, TS. Fragniere cho rằng, nếu các cặp uyên ương đủ tỉnh táo để phân tích tuổi tác, trình độ học vấn và các quan điểm về văn hóa trước khi tổ chức đám cưới thì nguy cơ tan vỡ sẽ giảm.
Tập đánh giá cao vai trò người vợ
TS. Fragniere cũng đề cập đến việc người đàn ông thường nghĩ rằng vợ nên chỉ thông minh vừa phải thôi và họ sẽ là người lo toan chủ yếu trong gia đình. Quan niệm này khiến cho những người hay mặc cảm bản thân không muốn chọn người vợ thông minh sắc sảo hơn mình. Điều đó gây nhiều thiệt hại cho họ trong cuộc sống hôn nhân sau này mà họ không biết. “Tập đánh giá cao vai trò người vợ trong hôn nhân, nhất là trí thông minh của họ, bạn sẽ không mất gì mà ngược lại, tương lai của gia đình và con cái bạn sẽ tuyệt vời hơn”, TS. Fragniere nói.
TS. Trần Hương, giảng viên Khoa Tâm lý trường ĐH KHXHNV cho rằng: “Để hiểu được nghiên cứu này, cần phải hiểu được khái niệm thông minh mà các nhà khoa học Đại học Bath muốn đề cập đến. Sự thông minh đó chính là sự nhanh nhạy, ứng biến kịp thời với những vấn đề của hôn nhân”.
TS Hương cũng cho rằng nghiên cứu của các nhà khoa học Anh về độ chênh lệch của tuổi tác là hoàn toàn có lý: “Phụ nữ, qua những lần sinh đẻ và nuôi con, họ già nhanh hơn đàn ông nên về mặt sinh lý mà nói thì đúng là độ tuổi chênh lệch hơn 5 sẽ khiến cho đôi lứa hòa hợp hơn trong cả quan hệ chăn gối và quan niệm sống”.
Lý giải về trình độ học vấn ảnh hưởng đến hôn nhân, TS. Hương cho rằng người đàn ông hiểu biết nhiều cũng biết đánh giá cao và tôn trọng vai trò của người phụ nữ. Họ không bị cái gọi là “mặc cảm” thua kém chi phối. Những người biết lắng nghe ý kiến của người vợ là biết lắng nghe ý kiến của một nửa thế giới mà một nửa đó lại nắm bắt rất nhiều điều nhạy bén khôn khéo mà đàn ông không thể nào có được.
Tuy nhiên, TS. Hương cho rằng công thức này không thể nào chi phối đến mọi đôi lứa được, có những trường hợp ngoại lệ, vợ hơn tuổi chồng vẫn cứ sống vô cùng hạnh phúc: “Vì ngoài những yếu tố liên quan đến tình yêu, sở thích, học vấn... tình yêu còn mang nhiều màu sắc, thuộc nhiều nền văn hóa và những thói quen cũng như hoàn cảnh khác mà một nghiên cứu khó có thể bao quát hết được”. TS Hương cho rằng nếu như cặp đôi nào lưu ý đến lời khuyên của các nhà khoa học Anh thì cũng nên lưu ý đến cả hoàn cảnh của riêng mình nữa, không nên nhất nhất phải chọn vợ ít hơn 5 tuổi và khăng khăng yêu những cô gái thông minh hơn mình.
Nghiên cứu này nghe có vẻ lạ, tuy nhiên lại rất phù hợp với mô hình đông phương, đàn ông thường kén vợ rất kĩ dựa vào sự khéo léo xoay sở trong cuộc sống gia đình và phụ nữ thì có xu hướng thích yêu những người hơn tuổi. Với tâm thế luôn coi trọng gia đình, muốn duy trì một cuộc sống gia đình lâu dài của người Việt Nam, việc cân nhắc đến những yếu tố cụ thể của nghiên cứu này cũng là một cách để chuẩn bị tốt cho một cuộc sống hôn nhân tốt đẹp.