Võ sư ở Hà Nội đánh vợ có thể bị xử lý hình sự

Lưu Ly - Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi -Theo Trưởng văn phòng Luật sư Chính pháp (Hà Nội) Đặng Văn Cường, tùy vào tính chất, mức độ của hành vi, người xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm của người khác có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Người chồng vũ phu
Sáng 27/8 một tài khoản facebook mang tên Vũ Mạnh Nghĩa chia sẻ sự việc xảy ra vào chiều tối ngày 26/8 tại chung cư CT16, phường Thạch Bàn, quận Long Biên, Hà Nội. Chị Vũ Thu L. muốn chuyển cái ti vi từ phòng khách sang phòng con trai (6 tuổi) nhưng không hỏi ý kiến chồng là Nguyễn Xuân Vinh (sinh năm 1987, thầy dạy Võ ở huyện Mê Linh – Hà Nội) nên đã bị chồng tát, đánh, đá tới tấp khi đang bế con 2 tháng tuổi.
Chứng kiến cảnh này còn có bé trai 6 tuổi của vợ chồng chị L và người giúp việc. Tối cùng ngày, khi nhận được tin báo em gái bị bạo hành, gia đình vợ đã sang Long Biên đón em gái và 2 cháu về nhà mẹ đẻ. Người chồng liên tục nhắn tin đe dọa nếu không trả thằng con trai lớn thì sẽ đốt nhà.
 Người chồng đánh vợ tại Long Biên. Ảnh chụp từ clip
Dù công phường Thạch Bàn đã vào cuộc nhưng nhiều người hết sức phẫn nộ đối với hành động vô nhân tính của người chồng, chỉ vì một việc rất nhỏ mà đánh đập, đạp vợ cùng con nhỏ một cách dã man. Mọi người càng bức xúc hơn khi người chồng không nhận ra lỗi lầm mà tiếp tục nhắn tin chửi bới, đe dọa người vợ. Trao đổi về vụ việc xảy ra, các chuyên gia tâm lý, chuyên gia trẻ em cho biết, trong thời gian người mẹ ở cữ, sức khỏe rất yếu, tâm lý xáo trộn do vừa trải qua một ca sinh nở. Hơn nữa, thời gian mới sinh, trẻ thường thức đêm, ngủ ngày; người mẹ phải thức đêm để chăm con nên sức khỏe càng kém.

“Pháp luật Việt Nam có quy định bảo vệ bà mẹ và trẻ sơ sinh rất nghiêm ngặt. Cụ thể, trong thời gian trẻ dưới 18 tháng tuổi, người chồng không được phép đòi ly hôn dù có thể anh ta đang rất muốn. Về vụ việc này, chị L vừa sinh nở, cơ thể còn rất yếu nên chắc chắn tâm lý hoảng hốt. Lại thêm vụ bạo hành dã man này, chắc chắn chị ấy sẽ bị trầm cảm. Còn tùy thái độ của gia đình trước và sau vụ việc, mức độ trầm cảm và các tác hại sau này sẽ nặng nhẹ khác nhau” – TS Vũ Thu Hương – chuyên gia giáo dục nhận định. Bà Hương cũng cho rằng, với các hình ảnh trong clip, anh chồng có thể bị truy tố tội hành hung người khác. Cộng với tình tiết tăng nặng là chị vợ mới sinh em bé và còn đang bế trên tay.

Sự việc này ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến sức khỏe tâm thần của em bé 6 tuổi. Người mẹ cũng bị ảnh hưởng sức khỏe tâm thần bởi đang trong giai đoạn yếu ớt cả về thể xác lẫn tinh thần. Đây là nhận định của Bác sĩ Nguyễn Trọng An – nguyên Phó Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ LĐTB&XH. Thậm chí, đứa bé 6 tuổi chứng kiến bố đánh mẹ thì có vết hằn suốt cả cuộc đời; trong cuộc sống sau này nếu gặp hoàn cảnh khó khăn, nó sẽ trở thành người chồng bạo lực như bố trước kia.
Về hướng xử lý người chồng mang tính chất nghiêm và răn đe, bác sĩ Nguyễn Trọng An cho rằng quy định trong pháp luật ở Việt Nam rất yếu. Kể cả đã có Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, chồng đánh vợ thì bị phạt tiền nhưng cuối cùng người vợ lại trả tiền cho ông ta. Còn theo Luật Hình sự, người vợ phải bị ảnh hưởng từ 11% sức khỏe trở lên mới có thể xử lý. Nhưng vấn đề là sang chấn tâm lý sẽ cực kỳ ám ảnh, thậm chí để lại nguy cơ như trầm cảm sau sinh, tự tử và giết luôn con, mà chúng ta không đong đếm được hết.

Theo Bác sĩ Trọng An, bây giờ, cùng với việc cơ quan pháp luật xử lý vi phạm hành chính đối với người chồng, cần phải tạm giữ, yêu cầu viết bản kiểm điểm, học tập Luật Hôn nhân gia đình, ký kết không được tái phạm. Về phía người vợ, rất cần được các cơ quan đoàn thể ở địa phương như Hội Phụ nữ cùng các chuyên gia tâm lý đến thăm hỏi, hỗ trợ, tư vấn để phục hồi sau sinh. Đối với em bé đang đi học mẫu giáo thì được các thầy cô giáo ở trường có trách nhiệm nói chuyện, trò chuyện để em quên dần câu chuyện tồi tệ không đáng nhớ này.

Có thể xử lý hình sự
Trưởng văn phòng Luật sư Chính pháp (Hà Nội) Đặng Văn Cường cho rằng, không ai chấp nhận cảnh đàn ông đánh vợ dù bất kỳ lý do nào. Võ sư đánh vợ ở trong tư thế vợ đang bế con, không có khả năng tự vệ nên hành động rất phản cảm, vi phạm nghiêm trọng về đạo đức và pháp luật. Vì vậy, công an cần vào cuộc xác rõ nguyên nhân, hành vi của võ sư này để có hình thức xử lý theo quy định pháp luật.

Pháp luật không cho phép việc sử dụng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn gia đình. Trong cuộc sống vợ chồng, cuộc sống gia đình thì việc phát sinh mâu thuẫn là tất yếu (chỉ khác nhau về mức độ và cách giải quyết); Không có cặp vợ chồng nào lại hòa thuận, đồng thuận về tất cả các vấn đề trong suốt quá trình chung sống. Khi có bất đồng quan điểm, bất đồng chính kiến hoặc nảy sinh những nghi ngờ, ghen tuông thì hai bên phải hết sức bình tĩnh, làm rõ bản chất của sự việc và giải quyết trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau và hướng tới hoà giải, hoà hợp.

“Dưới góc độ pháp lý thì hành vi xâm hại tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm của người khác là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy vào tính chất, mức độ của hành vi, tùy thuộc vào yếu tố lỗi và hậu quả... xảy ra mà người xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm của người khác có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự” - Luật sư Cường khẳng định.
Còn Luật sư Nguyễn Hùng – Văn phòng Luật sư Kết Nối (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, thực tế nhiều vụ nạn nhân vì cố gắng gìn giữ hạnh phúc gia đình nên không vì nếu đưa ra pháp luật có thể bị xử lý tù tội. Theo Luật sư Hùng, để giảm thiểu nạn bạo hành gia đình, các cấp chính quyền cần tuyên truyền cho người dân tôn trọng quyền phụ nữ, trẻ em; Cơ quan Nhà nước có biện pháp phối hợp để giám sát, theo dõi, xử lý…Đặc biệt, các cơ quan có kinh nghiệm xử lý, tư vấn để ngay khi nhen nhóm mâu thuẫn thì phải đến giải quyết.