Những lần khác, mỗi khi không muốn nghe điện thoại, không muốn tiếp khách, anh đều nhờ con bảo "bố cháu không có nhà". Con thắc mắc, anh chỉ ậm ừ cho qua chuyện. Anh Thành không để ý rằng mình đang tạo ra một thói quen rất xấu cho con là nói dối. Đến khi cô giáo nhắc nhở bố mẹ cần lưu ý vì con rất hay quanh co khi mắc lỗi hay không làm bài tập, anh định lôi con ra đánh nhưng bỗng sững lại khi con bảo "bố vẫn nói thế còn gì". Câu chuyện ấy không phải là cá biệt. Nhiều người hay phàn nàn về việc con thường nói dối, khó dạy bảo. Một kết quả điều tra mới đây trong lứa tuổi THCS cũng cho thấy, hành vi nói dối là lỗi mà nhiều học sinh mắc phải nhất (82,3%). Nếu nhìn kỹ lại, nguyên nhân khiến trẻ nói dối đều bắt nguồn từ gia đình, chính người lớn đã "vô tình" dạy con nói dối hàng ngày. Không ít ông bố, bà mẹ còn ngang nhiên nói dối người khác trước mặt con hoặc "nhờ" con nói dối. Một nguyên nhân nữa là do bố mẹ thường giận dữ và nổi nóng khi các em mắc lỗi. Để tránh bị trách mắng, các em thường nói dối, hay nói khác đi là nói dối trở thành chiếc phao cứu sinh giúp tránh những trận đòn roi. Do đó, ban đầu trẻ chỉ nói dối không vụ lợi (vô thức), sau đó chuyển sang vụ lợi (có ý thức). Và từ những bài học không mấy tốt đẹp ấy, những đứa trẻ cũng nhận thấy rằng, khi lần đầu tiên nói dối, đều cảm thấy lo sợ và ân hận vì hành vi của mình, nhưng sau sẽ thành một "thói quen", ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình định hình nhân cách của trẻ. Sự méo mó về nhân cách sống, kỹ năng sống cũng từ đó mà ra. Các chuyên gia cho rằng, ngay từ lúc lên hai, trẻ đã biết ghi nhớ và bắt chước theo mọi câu nói, hành vi, cử chỉ của bố mẹ. Nhiều người nghĩ, có những lời nói dối vô hại, nên hồn nhiên "phổ biến" cho con. Khi đến tuổi đi học, có thêm những mối quan hệ ngoài gia đình, trẻ còn có cơ hội học bài học "trung thực hay không". Vì thế, bố mẹ cần phải giám sát con để kịp thời chỉnh sửa những biểu hiện thiếu trung thực nơi trẻ. Dạy con không chỉ là những lời giáo huấn, quan trọng hơn là tấm gương của chính những người xung quanh và môi trường giáo dục quy củ. Nói dối dễ trở thành nếp nghĩ từ thuở ấu thơ dẫn đến gian dối trong công việc, trong các mối quan hệ xã hội khi trưởng thành. Chính vì thế, giáo dục bước đầu của các bậc cha mẹ là rất cần thiết để xây dựng nên tâm hồn trong sáng, trung thực cho trẻ.