Điều đó cho thấy kinh tế có dấu hiệu phục hồi song so với cùng kỳ năm trước vẫn còn một khoảng cách khá xa. Tuy nhiên, ngay cuối tháng 5 đầu tháng 6 hai mặt hàng thiết yếu là xăng, dầu đã tăng gần 900 đồng/lít và giá thịt lợn hơi tăng trở lại, đạt mức kỷ lục, khoảng 100.000 - 105.000 đồng/kg.
Dù giá xăng, dầu vẫn đang rất thấp nhưng việc tăng giá khá mạnh mặt hàng này mới đây, cộng thêm cả việc giá thịt lợn vẫn đang cao ngất ngưởng trong các quầy hàng ở chợ dân sinh cũng như trong siêu thị khiến không ít người tiêu dùng lo lắng.
Người dân có thể không mấy quan tâm đến việc Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 5 tháng đầu năm 2020, mà chỉ cảm thấy khó hiểu khi Chính phủ dù đã chỉ đạo phải giảm giá thịt lợn, nhưng thực tế, họ vẫn phải móc hầu bao nhiều hơn khi mua một cân thịt lợn. Tuy nhiên, chỉ số CPI 5 tháng đầu năm tiếp tục là thách thức đối với các cơ quan quản lý.
Bởi giá xăng, giá thịt lợn chính là hai “ẩn số” quan trọng, ảnh hưởng tới mục tiêu kiểm soát lạm phát của Việt Nam trong năm nay. Giá 2 mặt hàng này cũng là những yếu tố chính quyết định diễn biến CPI và lạm phát của Việt Nam trong những tháng cuối năm. Nếu giá xăng dầu và giá thịt lợn tiếp tục tăng, thì khả năng lạm phát cao quay trở lại trong năm nay là hoàn toàn có thể.
Giá xăng dầu phụ thuộc hoàn toàn vào giá thị trường thế giới. Trong trường hợp giá xăng dầu thế giới tăng cao, thì vẫn còn Quỹ Bình ổn xăng dầu, hiện có số dư tương đối lớn, để “xả” và bình ổn giá xăng dầu trong nước. Nhưng giá thịt lợn lại khác. Giảm giá thịt lợn chính là mấu chốt quan trọng để kiểm soát lạm phát. Tuy vậy, qua công tác điều hành thời gian qua cho thấy, đã đến lúc không thể điều tiết giá thịt lợn chỉ bằng mệnh lệnh hành chính hay bằng cách “kêu gọi” như thời gian qua.
Thực tế biện pháp này là không hiệu quả. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến giá thịt lợn tăng là do thiếu nguồn cung, nên muốn giải bài toán cung - cầu, giải pháp cơ bản vẫn là nhanh tái đàn và tăng nhập khẩu. Trong khi đó, liên quan đến vấn đề nhập khẩu, dù thịt lợn đông lạnh đã bắt đầu được nhập khẩu, nhưng chưa đủ sức tác động lớn đến thị trường. Đó là lý do vì sao, Bộ NN&PTNT lần đầu tiên thực hiện nhập khẩu lợn sống chính ngạch để giảm áp lực lên giá thịt lợn trên thị trường trong nước.
Cuối tuần qua, khi ban hành Nghị quyết số 84/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19, Chính phủ cũng đã giao nhiệm vụ rất rõ ràng cho cả Bộ Công Thương cùng Bộ NN&PTNT.
Theo đó, trong hai bộ, một bên sẽ chịu trách nhiệm tổ chức kiểm soát giá bán của chuỗi cung ứng lợn thịt và thịt lợn trên thị trường, một bên sẽ lo đẩy nhanh quy mô tái đàn, khôi phục đàn lợn để ổn định giá thịt lợn trong nước, đồng thời đề xuất số lượng nhập khẩu thịt lợn, bảo đảm lợi ích người chăn nuôi và người tiêu dùng…
Với sự vào cuộc lần này, cơ quản quản lý cho thấy quyết tâm bảo đảm kiểm soát lạm phát. Trong khi người tiêu dùng kỳ vọng giá cả những mặt hàng thiết yếu được kiểm soát tốt hơn, không còn phải lo lắng sau một thời gian dài chống dịch.