Nhờ triển khai hiệu quả nguồn vốn đã giúp cho nhiều người thoát khỏi tình trạng thất nghiệp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội cũng như xây dựng nông thôn mới.
Hỗ trợ vốn cho làng nghề phát triểnCó dịp đi tìm hiểu thực tế hiệu quả vốn vay của chương trình GQVL ở các quận, huyện của TP như Thường Tín, Ba Vì, Phú Xuyên, Phúc Thọ, Mê Linh… chúng tôi đều nhận thấy sự hồ hởi, phấn khởi của người dân khi nói về hiệu quả chương trình. Chị Nguyễn Thị Thảo, xã Hiền Giang, huyện Thường Tín cho biết, thông qua Hội Phụ nữ của xã, chị được NHCSXH cho vay vốn với số tiền 50 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo. “Từ nguồn vốn này, chúng tôi quyết tâm mua máy ép nhựa, sản xuất móc treo quần áo”. Từ đó, thu nhập của gia đình chị ổn định hơn, bình quân mỗi người đạt 6 - 7 triệu đồng/tháng. Trừ chi phí sinh hoạt, mỗi tháng cả gia đình cũng tiết kiệm được khoảng 10 triệu đồng.
|
Xưởng sản xuất mắc áo của chị Nguyễn Thị Thảo (xã Hiền Giang, huyện Thường Tín, TP Hà Nội). Ảnh: Trâm Anh |
Chị Thảo chỉ là một trong số hàng nghìn hộ vay vốn của NHCSXH huyện Thường Tín sử dụng có hiệu quả. Được biết đến là “đất trăm nghề”, toàn huyện Thường Tín có 126 làng nghề, trong đó có 47 làng nghề được công nhận là làng nghề truyền thống. Chính sách khuyến khích, ưu tiên phát triển nghề truyền thống được huyện Thường Tín triển khai thực hiện trong những năm qua đã và đang góp phần quan trọng vào việc bảo tồn, gìn giữ, phát huy nghề, làng nghề truyền thống tại địa phương, tạo việc làm cho người dân nông thôn.
Giải quyết việc làm, tăng thu nhậpLà một trong 106 hộ được vay vốn phát triển làng nghề da giày xã Phú Yên (huyện Phú Xuyên), chị Hắc Thị Hương chia sẻ: “Gia đình tôi vay vốn NHCSXH từ cuối năm 2015. Số tiền này cùng với nguồn vốn của gia đình, tôi mua máy móc phục vụ sản xuất da giày. Đến nay, xưởng của chúng tôi đã tạo việc làm cho 15 nhân công, lương của lao động thấp nhất từ 3 - 5 triệu đồng, cao cũng đến 10 triệu đồng/người/tháng”.
Báo cáo của UBND xã Phú Yên, trung bình mỗi năm người dân trong xã làm được 5 - 6 triệu đôi giày dép da. Nghề giày dép da đã tạo công ăn việc làm cho nhiều người dân trong xã và một số lao động khu vực các xã lân cận. Hiện nay, sản phẩm giày dép da Phú Yên đã có mặt trên thị trường cả nước. Trong làng có rất nhiều gia đình giàu lên nhờ làm giày, có thể xây được nhà, mua xe, mở rộng kinh doanh.
Theo NHCSXH huyện Phú Xuyên, hầu hết các hộ vay vốn phát triển làng nghề đều sử dụng đúng mục đích, phù hợp với nhu cầu sản xuất, kinh doanh cũng như mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Người vay không những trả lãi, gốc đúng hạn mà còn cộng đồng trách nhiệm hỗ trợ những người cùng tham gia dự án làm ăn.
Hiệu quả từ chương trình cho vay GQVL dù được đánh giá cao song thực tế vẫn còn nhiều trăn trở. Đó là nguồn vốn cho vay từ quỹ ngân sách về việc làm còn hạn chế, trong khi nhu cầu vay vốn của người dân rất cao, nhất là trong giai đoạn chuyển dịch cơ cấu kinh tế mạnh mẽ như hiện nay.