Lãi suất huy động và cho vay dắt tay nhau đi xuống
Từ đầu tháng 5/2013, biểu lãi suất huy động và cho vay đã được nhiều ngân hàng điều chỉnh giảm sâu. Đây được coi là tín hiệu cho một đợt giảm lãi suất trên quy mô rộng tại các ngân hàng.
Cụ thể, từ ngày 6/5, Vietcombank giảm lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng về mức 6%/năm, thấp kỷ lục hơn mức trần quy định của NHNN là 1,5%/năm. Các kỳ hạn khác cũng được điều chỉnh giảm từ 0,5 - 1%. Lãi suất cho vay cũng được Vietcombank tiếp tục giảm mạnh, theo đó lãi suất cho vay ngắn hạn thông thường còn khoảng 10,5%/năm, đặc biệt lãi suất cho vay trung, dài hạn đối với các DN, thấp nhất cũng chỉ còn khoảng 11,6%/năm.
Trước đó, từ ngày 2/5 - 30/6, khách hàng có nhu cầu vay vốn mua nhà, sửa chữa nhà, mua xe ô tô, đầu tư kinh doanh và tiêu dùng sẽ được VPBank hỗ trợ cho vay với mức lãi suất ưu đãi chỉ từ 6%/năm, giá trị vay tối đa lên đến 5 tỷ đồng/ khoản vay. Các ngân hàng khác như MaritimeBank cũng triển khai cho vay từ 7% lãi suất trở lên. OceanBank áp dụng lãi suất cho vay 9,8%/năm đối với hộ kinh doanh, DN nhỏ và siêu nhỏ có nhu cầu vay vốn ngắn hạn dưới 12 tháng.
Vốn huy động vào tăng nhưng cho vay ra khó là nguyên nhân khiến một đợt giảm lãi suất trên quy mô lớn tiếp tục diễn ra. Báo cáo kết quả điều hành chính sách tiền tệ 4 tháng đầu năm của NHNN cho thấy, tính đến ngày 23/4, huy động vốn tăng 5,34% so với cuối năm 2012, cao gấp 1,5 lần mức tăng của cùng kỳ năm 2012 và gấp 6 lần mức tăng của cùng kỳ năm 2011. Cùng thời điểm, tín dụng chỉ tăng khoảng 1,4% so với cuối năm 2012, còn thấp so với mục tiêu định hướng.
Vốn huy động tăng trưởng mạnh nhưng cho vay ra ngoài vẫn rất khó khiến nhiều ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất. Ảnh: Minh Tuấn.
Nhiều dư địa để lãi suất tiếp tục giảm sâu
Việc vốn huy động đều đặn chảy vào ngân hàng trong khi cho vay ra vẫn ì ạch, khiến nhiều chuyên gia đặt câu hỏi, vốn ngân hàng đang chảy đi đâu?
Báo cáo của NHNN cho rằng, tín dụng tăng chậm chủ yếu do tính quy luật hàng năm, nhu cầu vay vốn của DN ở mức thấp, một số ngành, lĩnh vực hoạt động sản xuất, kinh doanh có tính mùa vụ và chưa có nhu cầu vay vốn các tháng đầu năm. Bên cạnh đó, nền kinh tế còn phải đối mặt với nhiều khó khăn nên nhu cầu tín dụng hạn chế và tăng trưởng tín dụng ở mức thấp, các nhân tố tác động chủ yếu là vấn đề hàng tồn kho của DN, khả năng tiêu thụ sản phẩm, vướng mắc về xử lý tài sản bảo đảm.Tuy nhiên, tại phiên làm việc mới đây của Ủy ban Kinh tế Quốc hội, ông Lê Nam, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa lại cho rằng, có vẻ như các ngân hàng làm tốt nghiệp vụ mua bán vàng hơn là cho vay. "Chúng tôi cũng hiểu NHNN đã làm rất nhiều việc, nhưng những cái cụ thể để tác động vào DN, nền kinh tế thì chưa rõ. Cái cụ thể mà dân thấy nổi bật, nổi trội trong thời gian vừa rồi chủ yếu là mua bán vàng"- ông Lê Nam nói.
Một chuyên gia khác đặt câu hỏi, không hiểu vốn được ngân hàng "tiêu" vào đâu, vào trái phiếu Chính phủ, mua bán vàng hay một kênh nào khác khi đa số các ngân hàng thừa nhận huy động tăng trưởng nhưng cho vay ra vẫn rất khó khăn. Hơn 13 tấn vàng NHNN đưa ra đấu thầu đều được các ngân hàng thương mại mua nhiệt tình. "Có chăng, các ngân hàng này đang đang giật gấu vá vai, dùng tiền huy động đi mua vàng?" - vị này đặt câu hỏi.
Nhận định về xu hướng lãi suất thời gian tới, nhiều tổ chức và giới chuyên gia cho rằng, có dư địa để NHNN tiếp tục giảm trần lãi suất huy động. Lạm phát vẫn đang được kiểm soát ở mức 6 - 7%; chỉ số giá tiêu dùng CPI 4 tháng đầu năm chỉ tăng 2,4% so với cuối năm 2012, mức tăng thấp nhất so với cùng kỳ trong vòng 4 năm trở lại đây; lãi suất cho vay trên thị trường liên ngân hàng (M2) ở mức tương đối thấp, tập trung chủ yếu vào kỳ hạn qua đêm và 1 tuần với mức lãi suất phổ biến từ 3 - 5%... là những chỉ số hỗ trợ tiếp tục giảm lãi suất. Theo dự báo của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, lãi suất cho vay có thể giảm thêm 2 - 3% trong thời gian tới.