Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vốn ngoại vào Việt Nam trong năm 2018: Hứa hẹn bùng nổ

Nguyên Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày càng nhiều nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài đầu tư vào Việt Nam theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, bởi đây là giải pháp đầu tư đơn giản nhưng hiệu quả. Do đó, vốn đầu tư theo hình thức này đã tăng nhanh trong thời gian qua.

 Dây chuyền sản xuất bia Sài Gòn. Ảnh: Cao Thắng

Tín hiệu tích cực từ góp vốn, mua cổ phần
Dòng vốn ngoại qua góp vốn, mua cổ phần tăng vọt trong năm 2017 và tiếp tục xu hướng ngay đầu năm 2018. Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT), trong tháng 1/2018 đã có 415 lượt góp vốn, mua cổ phần với tổng giá trị trên 356 triệu USD, tăng 54,7% so với cùng kỳ trước. Trong đó có 212 lượt góp vốn, mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của DN, với giá trị vốn góp hơn 199 triệu USD; 203 lượt góp vốn, mua cổ phần mà NĐT nước ngoài mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với tổng giá trị vốn góp 156,89 triệu USD.

Các NĐT có vốn đầu tư trực tiếp lớn cũng đầu tư nhiều qua hình thức góp vốn, mua cổ phần và coi đây là một kênh đầu tư hấp dẫn, lại tiết kiệm cả thời gian, chi phí. Như trong năm 2017, các NĐT Hàn Quốc đã đầu tư vào Việt Nam 741 triệu USD qua góp vốn, mua cổ phần. Con số của nhà đầu tư Nhật Bản là 434 triệu USD, Singapore là 611 triệu USD, Thái Lan là 323 triệu USD…

Năm 2017 khép lại với nhiều đợt cổ phần hóa (chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng - IPO) cùng nhiều thương vụ thoái vốn Nhà nước thành công tại Vinamilk và Sabeco. Không chỉ với các ông lớn, NĐT nước ngoài cũng rất quan tâm tới việc góp vốn, mua cổ phần của các DN Việt Nam qua sàn chứng khoán lẫn ở ngoài sàn.
Chẳng hạn, Synnex Technology International Corporation (Synnex - Mỹ), rồi VinaCapital và Dragon Capital đã mua cổ phần tại FPT Retail. Năm 2018, dự kiến 181 DNNN sẽ IPO, thoái vốn, chiếm 70% tổng số đơn vị dự kiến sẽ được thoái vốn trong giai đoạn 2018 - 2020. Các chuyên gia đều cho rằng, nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thông qua hình thức góp vốn, mua cổ phần sẽ tiếp tục gia tăng với tốc độ nhanh hơn trong thời gian tới.
 Tổng Công ty Vinamilk đã thành công việc thoái vốn nhà nước trong năm vừa qua. Ảnh Việt Dũng.
Bất động sản, tiêu dùng hút vốn

“Việt Nam đang tiếp tục đẩy mạnh cải cách và cổ phần hóa DNNN, mở ra sự cạnh tranh trong một số lĩnh vực mà trước đây chỉ do Nhà nước nắm giữ. Các NĐT nước ngoài đang rất quan tâm đến những bước đi gần đây nhất của Chính phủ về cổ phần hóa và thoái vốn” - bà Catherine Wong Siow Pingthe, Đại sứ Singapore tại Việt Nam đánh giá. Theo bà, các lĩnh vực liên quan đến bất động sản, tiêu dùng như thực phẩm, bán lẻ, viễn thông, y tế và giáo dục... sẽ thu hút nhiều NĐT nước ngoài.

Ông Phạm Hồng Hải - Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam nhận định, việc Chính phủ đưa ra thông điệp rõ ràng về quyết tâm bán những DN mà Nhà nước không cần thiết tham gia kinh doanh, chẳng hạn như rượu, bia, thuốc lá... đang tạo ra tín hiệu tốt trên thị trường.
Điều này thu hút sự quan tâm của nhiều NĐT nước ngoài, bởi họ nhìn thấy đây là cơ hội đầu tư hấp dẫn. Cũng theo ông Hải, việc hợp tác, liên kết với các NĐT nước ngoài sẽ giảm áp lực lệ thuộc ngân hàng của DN.

Tuy vậy, các chuyên gia cho rằng, việc kiểm soát, giám sát chặt hơn hoạt động góp vốn, mua cổ phần của các NĐT nước ngoài là rất cần thiết để không chỉ tạo điều kiện cho các NĐT nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam mà qua đó sớm phát hiện những lỗ hổng để có biện pháp điều chỉnh.
Thực tế, trong thời gian gần đây đã xuất hiện các quan ngại về khả năng DN nước ngoài thâu tóm DN trong nước trong lĩnh vực bán lẻ và bất động sản thông qua hình thức đầu tư góp vốn, mua cổ phần. Theo TS Phan Hữu Thắng - nguyên Cục trưởng Đầu tư nước ngoài, khá nhiều các DN của Việt Nam được DN nước ngoài mua lại. Điều này là đúng luật nhưng nếu hoạt động này phát triển quá mạnh mẽ, DN Việt Nam bán vội những thương hiệu sẽ ít nhiều gây bất lợi cho các NĐT của Việt Nam.
Các NĐT nước ngoài có tiềm năng về vốn, công nghệ, thị trường, nguồn cung cấp nguyên liệu đầu vào… khi thâu tóm được những DN này thì Việt Nam sẽ gặp bất lợi.

TS Phan Hữu Thắng - nguyên Cục trưởng Đầu tư nước ngoài