Đồng vốn giúp thoát nghèo Gia đình chị Đỗ Thị Hương thuộc diện nghèo nhất trong thôn Phú Xuyên, xã Phú Châu, huyện Ba Vì (Hà Nội). Với 3 lần được vay vốn từ NHCSXH, gia đình chị Hương đã dần thoát khỏi cái nghèo. “Bao năm cuộc sống của gia đình tôi chỉ dựa vào mấy sào ruộng nên thiếu trước, hụt sau. Làm nón, làng nghề đang rất khó khăn, sản phẩm khó tiêu thụ. Giữa lúc bế tắc, tôi được cán bộ Hội Phụ nữ thôn giới thiệu vay vốn ưu đãi 50 triệu đồng của NHCSXH huyện để phát triển kinh tế gia đình. Như tìm ra lối thoát, gia đình tôi bàn nhau mua bò sữa và lợn nái để nuôi. Đến nay, gia đình tôi đã nuôi được 4 con bò sữa và 9 con lợn nái. Mỗi ngày cũng được gần 20 lít sữa, mỗi năm hai lứa lợn, chẳng mấy mà thu hồi được vốn" - chị Hương tâm sự.
3 năm trước, gia đình chị Phan Thị Liên được vay vốn từ NHCSXH huyện Ba Vì, ngoài nghề khâu nón, anh chị làm thêm nghề mộc, kinh tế gia đình ổn định hơn trước. Đến nay, nguồn thu từ nghề mộc giúp gia đình chị Liên thu về từ 150 - 200 triệu đồng/năm. Hoàn cảnh của anh Nguyễn Bá Đạo, ở thôn Phú Mỹ (Ba Vì) cũng khiến nhiều người rơi nước mắt. Bị dị tật bẩm sinh, chỉ có bố mẹ là nơi nương tựa duy nhất. Muốn đỡ đần người thân, anh đã rất nỗ lực để có thể nuôi bản thân. Từ sự hỗ trợ về vốn vay của NHCSXH huyện, anh đi học nghề sữa chữa điện máy, mở cửa hàng. Với những chương trình tín dụng chính sách trợ lực người dân từ xóa đói giảm nghèo đến phát triển bền vững, sự tiếp sức liên tục của các dòng tín dụng đang góp phần nhân rộng mô hình phát triển kinh tế của người dân. Tới thăm gia đình anh Đặng Văn Thái, ở xã Long Xuyên, huyện Phúc Thọ bị ảnh hưởng chất độc da cam, khiếm thị. Từ 50 triệu đồng vốn ưu đãi, gia đình anh đã chăn nuôi bò, lợn, và mô hình nuôi chim bồ câu Pháp mang lại hiệu quả kinh tế cao. Các cấp chính quyền cùng vào cuộc Nhờ các chương trình tín dụng ưu đãi của NHCSXH, nhiều hộ nghèo và các đối tượng chính sách tại nhiều huyện trên địa bàn Hà Nội đã gây dựng được gia sản, vươn lên thoát nghèo, từng bước ổn định cuộc sống. Bà Hoàng Thị Hạnh - Giám đốc NHCSXH huyện Ba Vì cho biết, công tác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn huyện được thực hiện ủy thác thông qua 4 tổ chức Hội đoàn thể, với 508 tổ tiết kiệm và vay vốn. Các giao dịch giải ngân, cho vay, thu nợ, thu lãi, thu tiết kiệm được thực hiện tại 31/31 điểm giao dịch xã, thị trấn. Từ 2 chương trình, đến nay trên địa bàn huyện Ba Vì đang triển khai thực hiện 13 chương trình tín dụng chính sách, theo dõi và quản lý gần 18.000 khách hàng vay vốn. Vốn tín dụng chính sách đã góp phần tích cực trong việc thực hiện mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững. Tỷ lệ hộ nghèo của huyện Ba Vì giai đoạn 2000 - 2005 giảm từ 19,4% xuống còn 18,13%/năm; giai đoạn 2011 - 2015 từ 11,2% năm 2011 xuống còn 4,51% cuối năm 2015. Tại huyện Phúc Thọ, mạng lưới hoạt động của NHCSXH huyện có 23 điểm giao dịch tại 23 xã, thị trấn. Hoạt động tại điểm giao dịch xã luôn được củng cố và nâng cao, công khai các chính sách tín dụng ưu đãi, danh sách hộ vay, hòm thư góp ý, số điện thoại đường dây nóng… Không chỉ “tiếp sức” cho các hộ có nhu cầu vay vốn, tại xã Phụng Thượng - một xã có tốc độ đô thị hóa nhanh, nguồn vốn chính sách còn “tiếp sức” cho nhiều DN mở rộng sản xuất, kinh doanh, tạo thêm nhiều việc làm cho lao động nông thôn. “Có thể nói, tín dụng chính sách đã làm cho bộ mặt nông thôn thay đổi diện mạo, chương trình điện, đường, trường, trạm đã được nâng cấp, từng bước rút ngắn khoảng cách giữa nông thôn và thành thị; nông dân ngày nay đã cơ bản thực hiện theo hướng cơ giới hóa và điện khí hóa trong sản xuất nông nghiệp, nhà ở của người nông dân cũng dần dần được cải thiện, trình độ dân trí được nâng cao” - ông Hoàng Quang Giáp - Chủ tịch UBND xã Phụng Thượng, huyện Phúc Thọ chia sẻ.
Được vay vốn ưu đãi, chị Đỗ Thị Hương, thôn Phú Xuyên, xã Phú Châu, huyện Ba Vì đầu tư nuôi bò sữa, lợn phát triển kinh tế gia đình. |