Tuy nhiên, thí sinh Bích Hồng, giọng ca không xuất sắc ở vòng chung kết xếp hạng, lại nhờ điểm cộng từ kết quả khán giả bình chọn mà ghi danh, khiến người ta đặt dấu hỏi cho hệ thống bình chọn của giải thưởng.
Thiếu đột phá
Thí sinh tham dự vòng chung kết Sao Mai 2011 phong cách dân gian đã không đi theo lối mòn, mà tạo được hơi thở đương đại trong cách chọn ca khúc. Nhiều bài hát dân gian đương đại được thí sinh lựa chọn như: "Sông ơi đừng chảy" (Nguyễn Vĩnh Tiến), "Dời đô", "Hoa nắng" (Nguyễn Tiến), "Khúc xưa thành Thăng Long" (Ái Nhân), "Ơi mẹ làng Sen" (Nguyễn Mạnh Hùng). Đó là chưa kể nhiều thí sinh đã khai thác tốt thế mạnh vùng miền tạo nên những giọng dân gian mang màu sắc riêng. Như Lương Nguyệt Anh da diết và tình tứ trong âm hưởng dân ca quan họ của "Nhớ về Hội Lim" (Trung Đức), Huyền Trang ngọt ngào chất Huế, Phương Thanh nặng tình với giai điệu dân ca Nghệ Tĩnh…
Thí sinh lọt vào chung kết Sao Mai 2011 chủ yếu đã được đào tạo bài bản về thanh nhạc. Vì vậy, họ đều đảm bảo độ chuẩn trong giọng hát, không phô, chênh. Tuy nhiên, dù mạnh dạn với ca khúc mới, nhưng họ chưa có sự đột phá trong giọng hát, chưa tạo được dấu ấn để khán giả nghe rồi nhớ mãi.
Dấu hỏi cho kết quả
Thêm một lần, khán giả lại là nhân tố tạo nên bất ngờ trong kết quả của cuộc thi. Thí sinh Bích Hồng với hai ca khúc "Huế - Sài Gòn - Hà Nội" (Hoàng Vân), "Khúc xưa thành Thăng Long" (Ái Nhân) không mắc nhiều lỗi kỹ thuật, cũng không quá nhạt, nhưng hoàn toàn không xuất sắc. Cũng như trường hợp Khánh Linh của dòng nhạc thính phòng, cô lọt vào top 3 thí sinh xuất sắc nhất dòng nhạc dân gian, đi tiếp vào vòng chung kết xếp hạng nhờ điểm cộng từ kết quả bình chọn của khán giả. Cơ hội cho Bích Hồng là từ khán giả, để lại không ít tiếc nuối cho những giọng ca được coi là xứng đáng hơn như: Nguyễn Văn Thế, Trần Thị Huyền Trang, Dương Thị Tú... Kết quả top 3 của vòng chung kết Sao Mai 2011 phong cách dân gian thuyết phục ở trường hợp của Lương Nguyệt Anh (Bắc Giang) và Trần Thị Phương Thanh (Nghệ An).
Đổi mới fomat (định dạng) chương trình, hướng đến khán giả là yếu tố tích cực của BTC giải Sao Mai 2011. Tuy nhiên, khán giả không phải bao giờ cũng đúng, bởi nhiều thí sinh được khán giả bình chọn chỉ vì có gương mặt đẹp, hoặc tài ăn nói. Chính vì vậy, không thể trao quyền tiên quyết trong âm nhạc cho khán giả. Đó là chưa kể chuyện thí sinh đã mua tin nhắn, vận động hành lang để có cơ hội đi tiếp vào vòng sau. Giải Sao Mai 2011 đang đi những chặng cuối cùng, có thí sinh đi tiếp vào vòng trong, nhưng lại bị đánh giá chưa thật xứng đáng. Với những kết quả như vậy, có lẽ từ năm sau, BTC giải nên kỹ lưỡng hơn về số điểm cộng cho trường hợp được số phiếu bình chọn cao nhất, để cuộc thi thực chất hơn.