Thế nhưng, phải mất một năm chờ đợi người ta mới có thể thay được Tổng Giám đốc bởi có quá nhiều điều cắc cớ xung quanh chiếc ghế này.
Một năm trước, VPF đứng trước áp lực phải trẻ hóa bộ phận điều hành từ một số cổ đông lớn. Chiếc ghế mà ông Phạm Ngọc Viễn ngồi từ những ngày đầu tiên được cho là cần phải đổi mới. Ông Viễn đã ngoài 65 tuổi nên cần phải được thay thế bởi một nhân vật trẻ hơn, có khát vọng đổi mới hơn.
Ban đầu, người ta định đưa Phó Tổng giám đốc Nguyễn Minh Ngọc lên nắm quyền bởi ông này rất thạo công việc tổ chức thi đấu. Bên cạnh đó, một Phó Tổng giám đốc khác là Phạm Phú Hòa, người chuyên trách về kinh doanh cũng được cho là ứng viên sáng giá. Thế nhưng, các nhân vật trẻ này đã không thể đăng cơ với lý do còn quá trẻ. Ông Phạm Ngọc Viễn được giữ lại thêm vài tháng với nhiệm vụ dìu dắt đàn em và sau đó tiến hành chuyển giao quyền lực. Nhưng rút cuộc, đến hẹn chuyển giao, cả hai ứng viên đã bị "đánh" cho tơi tả bởi Chủ tịch CLB Hải Phòng Trần Mạnh Hùng...
Cuối cùng, ông Cao Văn Chóng, Tổng Giám đốc CLB Bình Dương đã được lựa chọn ngồi vào cái ghế mà ông Phạm Ngọc Viễn đã nắm giữ 4 năm qua.
Ông Chóng không phải là nhân vật xa lạ của làng bóng đá. Vị Tổng Giám đốc này được cho là thạo việc khi đã có 10 năm tham gia quản lý bóng đá. Thế nhưng, nhân vật đại diện cho xu thế đổi mới ở VPF đang đối diện với rất nhiều thách thức. Đầu tiên, đó là việc thuyết phục được những cổ đông vốn vẫn đang công khai ủng hộ ông Phạm Ngọc Viễn, người mới được chuyển sang chức danh Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị.
Vừa trao ấn tín cho ông Cao Văn Chóng, Chủ tịch Võ Quốc Thắng của VPF đã tuyên bố thẳng thừng, nếu không được việc, chúng tôi sẽ thay ngựa giữa dòng. Điều đó cho thấy, thách thức mà ông Chóng phải đối diện là vô cùng lớn. Hay nói đúng hơn, rất nhiều người đang hoài nghi về sự thích ứng của nhân vật mới này.
Bóng đá là cuộc chơi của những toan tính. Thậm chí, người ta không ngần ngại nói rằng, có lợi ích nhóm trong đó. Người ta thích có nhiều sự ủng hộ, thậm chí tạo ra vây cánh để dễ bề thực hiện mục tiêu của mình. Nếu không vượt lên trên, hoặc nhận được sự ủng hộ từ các đội bóng, rất khó để ông Cao Văn Chóng chống đỡ được những cơn sóng ngầm có thể nổi lên bất cứ lúc nào. Và biết đâu, vào một ngày không đẹp trời nào đó, nếu VPF có biến, người ta lại kêu gọi trả lại ghế cho ông Phạm Ngọc Viễn.
Những cuộc chuyển giao ở VPF luôn có sóng gió bởi người ta coi những cái ghế cao là mặt trận chiến lược. Nhưng, nếu không cách mạng, không có những tư duy mới thì rất lâu nữa nền bóng đá mới có thể cất cánh.
Ông Cao Văn Chóng (thứ hai từ phải sang) tại lễ trao giải tổng kết V-League 2015.
|