Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vụ 1,8 triệu tấn nhôm có dấu hiệu “tẩy” xuất xứ: Trăm mối nguy cho hàng Việt

Đinh Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Như báo Kinh tế & Đô thị đã đưa, vụ việc cơ quan Hải quan phát hiện 1,8 triệu tấn nhôm vào Việt Nam có dấu hiệu “tẩy vết” xuất xứ Trung Quốc để xuất đi các thị trường khác, trong đó có thị trường Mỹ đặt các DN Việt trước hàng loạt nguy cơ.

Không chỉ nhôm, các mặt hàng khác như xe đạp, đệm… cũng từng được dùng nhiều thủ đoạn nhằm qua mặt cơ quan chức năng. Theo các chuyên gia, trước những ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại Mỹ -Trung, đòi hỏi các cơ quan chức năng cần quản lý và giám sát chặt hơn nữa thực tế này, nhằm bảo vệ các DN làm ăn chân chính.
Nguy cơ nhiều mặt hàng bị gian lận xuất xứ
Khi phát hiện dấu hiệu nghi vấn liên quan đến 1,8 triệu tấn nhôm có dấu hiệu gian lận xuất xứ, Tổng cục Hải quan đã chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Công Thương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và các cơ quan khác kiểm tra, xác định và ngăn chặn kịp thời. Cơ quan này còn phối hợp với Hải quan Mỹ xác minh về vụ việc nêu trên. Đặc biệt, các đặc vụ của Bộ An ninh nội địa Mỹ đã đến Việt Nam để phối hợp điều tra.
 Nhôm thành phẩm tại một nhà máy trong Cụm công nghiệp Đông Thọ, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh.
Sau vụ việc này, mới đây, ngày 2/11, Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh đã kiểm tra phát hiện 1 container hàng giả mạo xuất xứ Việt Nam được nhập khẩu từ Trung Quốc. Toàn bộ 2.780 sản phẩm gồm chăn, màn, gối, nệm với tổng số lượng 317 kiện carton, trọng lượng hơn 7 tấn, trị giá 591 triệu đồng đều được Công ty TNHH Cao su Talalay Viet Nam khai báo và cung cấp giấy chứng nhận là xuất xứ từ Trung Quốc để hưởng thuế suất ưu đãi.
Qua thực tế kiểm tra, bên ngoài các kiện hàng carton đều có dán giấy “Made in China” (xuất xứ từ Trung Quốc) để qua mặt cơ quan hải quan. Tuy nhiên, thực tế bên trong toàn bộ nhãn mác đi liền với sản phẩm đều ghi tên và địa chỉ đơn vị sản xuất là Việt Nam. Vụ việc đang được tiếp tục điều tra xử lý theo quy định.
Theo Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh, trong diễn biến căng thẳng kinh tế Mỹ - Trung hiện nay, không loại trừ khả năng DN lợi dụng Việt Nam làm nơi chuyển tải bất hợp pháp hàng nhập khẩu từ Trung Quốc mang nhãn Việt Nam để xuất khẩu đi nước thứ ba. Giám đốc Công ty Luật Inteco Hà Huy Phong cho hay, gian lận xuất xứ không phải mới xuất hiện ở Việt Nam nhưng gần đây, vấn đề này đặc biệt nổi cộm ở Việt Nam do chịu ảnh hưởng bởi cuộc chiến thương mại Trung – Mỹ.
Căng thẳng giữa hai nền kinh tế này khiến Mỹ áp thuế và nhiều chính sách mạnh tay lên hàng hóa Trung Quốc. Vì thế, theo ông Phong, không chỉ cơ quan Nhà nước mà các DN nội địa cũng hết sức đề phòng hiện tượng này.
“Nếu các nhà sản xuất và Trung Quốc thành công trong việc biến Việt Nam thành địa điểm "tẩy vết" xuất xứ Trung Quốc để đưa hàng sang Mỹ thì chính Việt Nam sẽ đối mặt với nguy cơ bị Mỹ trừng phạt và DN Việt Nam sẽ là những người phải gánh hậu quả nặng nề nhất”- ông Phong nói.
Theo các chuyên gia, đây là cảnh báo lớn cho Việt Nam khi ở vị thế bị buộc phải nằm trong vòng vây của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Nỗi lo lớn nhất là sau thép, nhôm Việt Nam có thể bị trừng phạt với mức thuế chống bán phá giá cao, đủ để làm “chết” một ngành.
Đối phó cách nào?
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, cơ quan quản lý Việt Nam cần có những giải pháp tổng thể và liên ngành để kiểm soát xuất xứ hàng hóa và xử lý nghiêm những trường hợp gian lận xuất xứ, đặc biệt là đối với hàng hóa đến từ Trung Quốc.
“Chúng ta không thể cấm các nhà đầu tư Trung Quốc vào đầu tư tại Việt Nam. Tuy nhiên, chúng ta cần quan tâm đối phó trước sự tăng lên mạnh mẽ của các hoạt động sản xuất trá hình nhằm ngụy tạo xuất xứ Việt Nam, hoạt động quản lý chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn, cần thực hiện một cách quyết liệt và nghiêm túc” - ông Phong nhấn mạnh.
Cũng theo ông Phong, các DN Việt nên có sự cộng tác với cơ quan Nhà nước để phát hiện và xử lý những trường hợp gian lận xuất xứ để nền kinh tế Việt Nam tận dụng được cơ hội từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Nếu không làm được, thì chính Việt Nam sẽ là nạn nhân chịu thiệt hại nặng nề từ cuộc chiến.
Đại diện Hiệp hội Thép Việt Nam cho rằng, thời gian qua, một loạt mặt hàng, kể cả thép nhập khẩu vào Việt Nam có dấu hiệu gian lận xuất xứ, thương mại. Trong đó, hành vi chủ yếu là gian lận mã số thuế; gia công, chế biến để xuất khẩu, nhưng không đủ tỷ lệ mang xuất xứ Việt Nam. Các sản phẩm này sau đó bị đối tác nhập khẩu áp thuế chống gian lận.
“Vụ việc nhập khẩu nhôm này cũng như vậy, nếu xác minh có dấu hiệu gian lận xuất xứ, mượn Việt Nam để tạm nhập tái xuất nhằm lách thuế sẽ rất nguy hiểm; sẽ khiến cho cả ngành nhôm bị liên lụy. Chỉ một công ty gian lận thì các công ty khác xuất mặt hàng đó cũng chịu ảnh hưởng theo. Nếu DN không xuất được mà để trong nước tiêu thụ sẽ triệt tiêu các DN trong nước”- Đại diện Hiệp hội Thép Việt Nam chia sẻ.
Với vụ việc 1,8 triệu tấn nhôm, nhiều ý kiến cho rằng, cần giám sát chặt chẽ số nhôm khổng lồ này. Nếu phát hiện DN có dấu hiệu sai phạm hình sự thì cần xử lý nghiêm để ngăn chặn các hành động tương tự.

"Vụ việc 1,8 triệu tấn nhôm có nguy cơ gian lận xuất xứ, DN có thể chuyển sang làm thủ tục tiêu thụ nội địa, miễn là đóng thuế đầy đủ, hoặc làm thủ tục xuất sang nước thứ ba nhưng không được mạo danh xuất xứ Việt Nam, tránh bị Chính phủ Mỹ trừng phạt, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại với Việt Nam." - Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn