Vụ bê tông hóa đình Lương Xá (Ứng Hòa): Chưa làm rõ trách nhiệm

Lại Tấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau hơn một tháng liên lạc, đặt lịch làm việc, sáng 10/10, UBND huyện Ứng Hòa mới chính thức có câu trả lời bằng văn bản đến báo Kinh tế & Đô thị để thông tin về vấn đề kiểm điểm trách nhiệm cá nhân, tập thể sau vụ việc bê tông hóa đình Lương Xá (xã Liên Bạt, huyện Ứng Hòa, Hà Nội).

Tuy nhiên, với việc huyện Ứng Hòa chỉ kỷ luật khiển trách 3 cán bộ cấp xã khiến dư luận bất bình vì xử lý hậu quả chưa đủ sức răn đe.
Xử lý theo kiểu “hòa cả làng”

Trước đó, UBND TP yêu cầu huyện Ứng Hòa phải báo cáo kết quả kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân sau vụ việc vi phạm ở đình Lương Xá trước ngày 30/8. Thực tế, ngày 27/8, Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa đã ban hành 3 công văn về việc thi hành kỷ luật đối với Chủ tịch UBND xã Liên Bạt Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Liên Bạt Nguyễn Văn Chính và cán bộ văn hóa xã Liên Bạt Phạm Hồng Quân bằng hình thức “Khiển trách”.
Vì chính quyền tự ý cho phép hạ giải, tu bổ đình Lương Xá (Ứng Hòa, Hà Nội) nên ngôi đình bị bê tông hóa.
Theo đánh giá của các chuyên gia, UBND huyện Ứng Hòa chỉ kỷ luật 3 cá nhân ở chính quyền xã ở mức “Khiển trách” còn chung chung, chưa làm rõ trách nhiệm cụ thể. Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, nguyên Phó Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội Trương Minh Tiến cho rằng: “Chính quyền địa phương phải chỉ rõ ai là người quyết định trực tiếp cho phép người dân tháo dỡ, tự ý hạ giải và xây dựng đình Lương Xá. Bây giờ, chúng ta không thể áp dụng hình thức kỷ luật giống nhau như vậy, phải có hình thức cao hơn, thấp nhất là “cảnh cáo” mới đủ sức răn đe, làm gương, không để các vụ việc tương tự xảy ra”. Giải thích rõ hơn về ý kiến của mình, ông Trương Minh Tiến cho hay: “Trong sự việc tại Lương Xá, Phòng VH&TT huyện Ứng Hòa đã có văn bản yêu cầu, hướng dẫn chính quyền địa phương làm đúng quy định của pháp luật trong việc sửa chữa, tu bổ đình Lương Xá. Tuy nhiên, địa phương không làm theo hướng dẫn mà cho phép thôn tự ý hạ giải và bê tông hóa đình. Đây là vấn đề về ý thức trách nhiệm. Do vậy, chúng ta phải tìm ra ai là người đồng ý, quyết định trực tiếp để có hình thức kỷ luật khác”.

Bên cạnh đó, sau khi sự việc đình Lương Xá bị hạ giải, TS Nguyễn Văn Kiên – Viện Khảo cổ học đã nhìn nhận rằng, từ trước đến nay, các vi phạm liên quan đến phá hoại di tích chưa có một “bản án” nào đủ sức răn đe. “Tôi đảm bảo chưa có ai đi tù về việc phá hoại di tích, chưa có một bản án nào đủ sức răn đe để người ta phải cẩn thận khi can thiệp vào di tích. Bây giờ phải có quy định cụ thể nếu không sau này lại có đình, chùa, di tích bị bê tông hóa” – ông Kiên cho hay.

Bảo vệ những gì còn sót lại

Trong văn bản trả lời báo Kinh tế & Đô thị về việc bảo vệ những mảng trạm khắc, cấu kiện gỗ, UBND huyện Ứng Hòa cho hay: “Ngày 14/9, đoàn công tác của Sở VH&TT Hà Nội phối hợp với phòng VH&TT, UBND xã Liên Bạt tiến hành kiểm kê, đánh giá và phân loại các cấu kiện, các mảng chạm, khắc của đình Lương Xá để giúp UBND huyện xây dựng phương án bảo tồn, lưu giữ theo quy định”. Nói rõ hơn về cuộc làm việc trên, ông Trương Minh Tiến cho biết: “Chúng tôi đã kiểm kê, phân loại những mảng chạm khắc, cấu kiện gỗ, đánh giá xem những cấu kiện nào có thể dùng được. Phương án 1 có thể đưa vào làm hậu cung hoặc phương án 2 là cấu kiện nào có giá trị sẽ giữ lại để sau này có hướng trưng bày tại chỗ hoặc đưa về bảo tàng. Người dân có nguyện vọng trưng bày tại chỗ. Do vậy, sau này tu bổ xong đình, dự kiến sẽ bố trí một khoảng không gian nhất định để trưng bày”.

Trước đó, ngày 16/8, Sở VH&TT Hà Nội đã tham vấn các cơ chuyên gia, cơ quan quản lý và lắng nghe đề xuất của chính quyền địa phương để đề ra biện pháp xử lý công trình vi phạm tại đình Lương Xá (Ứng Hòa). Các chuyên gia đã bàn nhiều giải pháp, trong đó phương án nhận được đồng thuận cao nhất là việc giữ nguyên vật liệu bê tông của tòa đại bái. Hoàn thiện cấu trúc đình gần nhất có thể với không gian cấu trúc và tổng thể vốn có. Trên mái phục hồi toàn bộ phần trang trí, đặc biệt là phải lợp mái ngói chứ không được dùng mái fibro xi măng. Phần hậu cung hoàn toàn làm cấu trúc bằng gỗ. Một số cấu kiện có giá trị đang được niêm phong đưa về hậu cung.
Ngày 31/7, phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã có bài phản ánh về tình trạng bê tông hóa ngôi đình 300 tuổi ở thôn Lương Xá, xã Liên Bạt, huyện Ứng Hòa. Ngay sau bài báo, các chuyên gia và cơ quan quản lý đã vào cuộc nhằm “cứu đình”. Đây là một vi phạm điển hình chưa từng có trong công tác trùng tu tu bổ, tôn tạo di tích, nên rất cần phải có những giải pháp quyết liệt, có tính răn đe, tránh những vi phạm sau đó.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần