Cụ thể, chính phủ Nhật Bản đã bán khoảng 11% cổ phần trong 3 công ty thuộc Japan Post là công ty mẹ cùng hai mảng ngân hàng (Japan Post Bank), bảo hiểm (Japan Post Insurance) và sẽ có thêm cổ phần được bán ra trong những năm sắp tới. Kế hoạch của chính phủ xứ sở mặt trời mọc là giữ khoảng 30% cổ phần của công ty mẹ, trong khi thoái vốn hoàn toàn khỏi phân khúc ngân hàng và bảo hiểm.
Vượt qua vụ IPO lớn nhất trên thế giới của Tập đoàn thương mại điện tử Alibaba năm 2014, chính phủ Nhật Bản dự kiến huy động được 11,9 tỷ USD thương vụ này.
Đây cũng là thương vụ IPO lớn nhất tại Nhật Bản trong gần 3 thập kỷ qua, là một phần của những nỗ lực xã hội hóa các tập đoàn nhà nước sở hữu, cũng như thúc đẩy dòng tiền lưu thông trong nền kinh tế đang ảm đạm.
Sự kiện tư nhân hóa Japan Post sẽ đem đến những tác động rất to lớn đối với hệ thống ngân hàng cũng như nền kinh tế và thị trường tài chính Nhật Bản. Mảng ngân hàng của Japan Post đang chịu những giới hạn về hoạt động cho vay và tiền gửi. Sau khi IPO các giới hạn này sẽ được dỡ bỏ, thông qua đó tăng khả năng cạnh tranh với các ngân hàng trong khu vực. Điều này thậm chí sẽ gây sức ép phải sát nhập lên một loạt ngân hàng nước này.
Bên cạnh đó, Japan Post Bank cũng đang tìm cách chuyển số tiền 1.700 tỷ USD hiện đang được đầu tư vào các trái phiếu chính phủ có lợi suất thấp sang các loại chứng khoán khác có mức lợi suất cao hơn như trái phiếu chính phủ nước ngoài hay cổ phiếu. Năm ngoái, quỹ hưu trí lớn nhất Nhật Bản cũng đã có động thái tương tự.
Việc Japan Post Bank tái cấu trúc danh mục đầu tư cũng sẽ bơm dòng tiền mới vào thị trường chứng khoán Nhật Bản. Japan Post Bank cũng có thể bản một lượng trái phiếu Chính phủ cho NH T.Ư Nhật Bản - đơn vị đang muốn mua vào trái phiếu để thúc đẩy lạm phát. Ngay sau vụ IPO, cổ phiếu Tập đoàn Japan Post đã tăng 26% trong khi chỉ số Nikkei tại Tokyo tăng 1,3%.
Vụ IPO lịch sử này được coi là tín hiệu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe phát ra, minh chứng rằng nền kinh tế nước này có thể hồi sinh. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lo ngại một số vấn đề còn tồn tại như phương án giải quyết và xử lý an toàn các khoản bảo lãnh tiền gửi tại Japan Post Bank một khi thiếu sự bảo trợ của chính phủ.
Chính quyền một số các quốc gia khác từng thoái vốn khỏi tài sản ngành bưu điện bao gồm hãng Royal Mail (Anh) năm 2013 và Poste Italiane (Italia) năm nay.