Liên quan đến vụ “Phụ huynh học sinh ép cô giáo phải quỳ gối xin lỗi” tại Trường TH Bình Chánh (xã Nhựt Chánh, huyện Bến Lức, tỉnh Long An), trong những ngày qua dư luận khá bức xúc vì hành vi trái đạo lý của ông Võ Hòa Thuận (SN 1984, ngụ xã Nhựt Chánh, huyện Bến Lức, tỉnh Long An), người được cho là đã ép cô giáo B.T.C.N quỳ gối hàng chục phút.
Trường TH Bình Chánh (huyện Bến Lức, tỉnh Long An) nơi xảy ra việc cha mẹ học sinh ép cô giáo quỳ gối gây bức xúc dư luận. |
Không những bức xúc trước hành vi trái đạo nêu trên, dư luận còn bức xúc trước việc khi trả lời trên một số tờ báo, ông Thuận cho rằng việc quỳ gối là do cô giáo N. tự nguyện. Ông Thuận không ép buộc và ông này có ghi âm, quay clip lưu lại. Tuy nhiên tại bản tường trình của mình, cô giáo N. viết: “Trong tình trạng bản thân đứng trước sức ép lớn từ phía phụ huynh, đồng thời cũng nhận thấy bản thân sai trước, tôi không nghĩ được gì khác, chỉ muốn mọi việc được giải quyết xong nên có suy nghĩ buông xuôi, hơn nữa Hiệu trưởng cũng không có ý kiến gì về thái độ của phụ huynh. Sau đó nhìn đồng hồ gần đến giờ ra chơi, nên tôi có hẹn phụ huynh 9 giờ, khi học sinh vào lớp sẽ thực hiện. Trong quá trình chờ đó, thì Hiệu trưởng có nói với phụ huynh rằng giáo viên đã biết sai và cũng có ý quỳ thì coi như bỏ qua”.
Mặc dù phía nhà trường cũng như cô N., đã nhận lỗi nhưng phụ huynh vẫn không đồng ý. Bản tường trình của cô N., viết tiếp: “Sau đó, khi đến 9 giờ, tôi có nấn ná chờ mọi việc xem có dịu lại hay không, lúc này Hiệu trưởng nói với tôi rằng: Cô ở lại đây, tôi đi dự giờ. Cuối cùng trong phòng còn lại tôi và 3 phụ huynh (1 phụ huynh ra về). Phụ huynh nam (tức ông Thuận - PV) nói đến giờ và đang chờ tôi làm (quỳ). Ở tình huống không còn đường lui và do suy nghĩ non nớt của bản thân, để mọi việc giải quyết xong nên tôi đã quỳ trong thời gian 40 phút”.
Không những bản tường trình của cô N. đã kể sự việc, bà Chi hội trưởng Hội cha mẹ học sinh của lớp cô giáo N., do bất bình trước những câu trả lời của ông Thuận trên báo nên đã khẳng định ông Thuận nói sai sự thật và bà này sẵn sàng làm chứng trước công an việc ông Thuận buộc cô giáo N., phải quỳ gối suốt 40 phút.
Trở thành luật sư phải “có phẩm chất đạo đức tốt”
Theo tìm hiểu của chúng tôi, ông Võ Hòa Thuận đã thi đậu kỳ kiểm tra tập sự hành nghề luật sư phía Nam (đợt 1 năm 2017) và được Bộ Tư pháp cấp chứng chỉ hành nghề (CCHN) luật sư thuộc Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh với số chứng chỉ 14914. Còn thông tin từ Phòng Tư pháp huyện Bến Lức (Long An), ông Thuận đang làm việc tại chi nhánh của công ty tư vấn pháp luật ở huyện Bến Lức và công ty này có văn phòng tại TP Hồ Chí Minh.
Việc ông Võ Hòa Thuận đã có CCHN luật sư nhưng chưa được cấp thẻ Luật sư. Qua vụ việc ép giáo viên quỳ gối để “trả thù” cô giáo N. phạt các cháu học sinh (trong đó có con ông Thuận), liệu ông Thuận có được Liên đoàn Luật sư Việt Nam cấp thẻ luật sư? Hành vi của ông Thuận có đủ yếu tố cấu thành tội “Làm nhục người khác” hay không? Trao đổi với phóng viên, luật sư Dương Vĩnh Tuyến – Trưởng Văn phòng luật sư Dương Chí - Đoàn Luật sư tỉnh Bình Phước, nói: “Ông Thuận đã có CCHN luật sư, theo điều 20 Luật luật sư sửa đổi thì ông Thuận có quyền lựa chọn gia nhập một đoàn luật sư để hành nghề. Còn việc Ban Chủ nhiệm Đoàn nơi ông Thuận xin gia nhập có kết nạp hay không còn phải xem xét thêm nhiều vấn đề khác. Bởi theo quy định tại điều 10 Luật luật sư thì một trong những tiêu chuẩn để trở thành luật sư là phải “có phẩm chất đạo đức tốt”.
Trong trường hợp này, ông Thuận đã có hành vi ép buộc cô giáo N. quỳ gối trên 40 phút trước sự chứng kiến của vợ chồng ông Thuận và người khác là trái với truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc. Về mặt ứng xử trong mối quan hệ giữa cha mẹ của học sinh với thầy cô giáo: Giả sử thầy cô có làm gì (đánh roi, bắt quỳ, véo tai…) con mình mà mình cho rằng việc làm đó là không đúng thì phụ huynh phải phản ánh với Ban Giám hiệu, Hội cha mẹ học sinh để biết và có biện pháp xử lý theo quy chế, nội quy của ngành giáo dục và pháp luật của Nhà nước. Phụ huynh không thể bắt thầy cô giáo phải quỳ (để nếm mùi vị khi phạt học sinh quỳ) vì đã bắt con của phụ huynh quỳ. Hành vi của ông Thuận đã vi phạm nghiêm trọng chuẩn mực đạo đức làm người, làm tan biến truyền thống của dân tộc trong mối quan hệ thầy trò”.
Lãnh đạo nhà trường vô cảm!
Cũng theo luật sư Dương Vĩnh Tuyến, về mặt luật pháp qua những thông tin trên báo chí, việc trả lời báo chí của vị Chi hội trưởng Hội cha mẹ học sinh lớp con ông Thuận đang học, sự trình bày của vị Hội trưởng Hội cha mẹ học sinh của nhà trường cùng với tường trình của cô giáo N., có đủ căn cứ kết luận ông Thuận đã có hành vi ép buộc cô N. quỳ trước mặt vợ chồng mình và người khác với thời gian đến 40 phút.
Hành vi của ông Thuận không chỉ xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm của cô N. mà còn xúc phạm đến danh dự của nghề giáo. Hành vi đó có dấu hiệu của tội “Làm nhục người khác” theo quy định tại điều 155 Bộ luật tố tụng hình sự. Tuy nhiên theo điều 155, thì vụ án chỉ được khởi tố khi cô N., có đơn yêu cầu khởi tố vụ án gửi đến cơ quan điều tra Công an huyện. Nếu cô N. không có đơn thì không thể khởi tố.
“Về phía nhà trường, cũng cần xem xét trách nhiệm của Ban Giám hiệu, cụ thể là ông Hiệu trưởng. Nếu người này dự giờ thật thì phải cử Phó Hiệu trưởng chủ trì buổi làm việc. Việc không cử Phó Hiệu trưởng mà bỏ đi khi chưa giải quyết xong vụ việc đã thể hiện sự thờ ơ, vô cảm, né tránh ông Thuận và các phụ huynh khác”, luật sư Tuyến nêu quan điểm.