Ngày 21/3, tại TP Hồ Chí Minh, Bộ GTVT đã có buổi làm việc với các đơn vị có liên quan để bàn giải pháp khắc phục vụ sập cầu Ghềnh xảy ra trưa ngày 20/3. Tại buổi làm việc, Bộ GTVT yêu cầu ngành đường sắt phải tổ chức lại kế hoạch vận tải; phối hợp với Cục Quản lý chất lượng công trình giao thông để thống nhất phương án khắc phục sự cố trên. Đồng thời, Bộ GTVT yêu cầu đơn vị có liên quan huy động tối đa các luồn lực để khắc phục sự cố trong thời gian 2,5 tháng.
GTVT yêu cầu đơn vị có liên quan huy động tối đa các luồn lực để khắc phục sự cố trong thời gian 2,5 tháng.
|
Cùng với đó, Bộ GTVT yêu cầu các đơn vị có liên quan phải phối hợp chặt chẽ với các lực lượng của địa phương, đơn vị trong ngành để giải quyết nhanh nhất các vấn đề khảo sát, thanh thải, tổ chức vận tải đường thủy, tổ chức vận tải đường sắt cũng như việc khôi phục tuyến đường sắt qua khu vực này. “Đây là công trình khẩn cấp, Tổng Công ty Đường sắt là chủ đầu tư và giải quyết thanh thải. Tổng Công ty phải chỉ định đầu mối cụ thể, người chỉ đạo phải chịu trách nhiệm chính chứ không phải đợi xin ý kiến, gây lãng phí thời gian” - Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, tại hiện trường, bắt đầu từ sáng nay (21/3), Đội kỹ thuật được Bộ GTVT chỉ định đến hỗ trợ tỉnh Đồng Nai cứu nạn và huy động các trang thiết bị máy móc hiện đại nhất để khắc phục sự cố. “Khi thiết bị được thả xuống nước, toàn bộ hiện trạng lòng sông cũng như các chướng ngại vật ở dưới sẽ được chuyển tải lên máy tính và có thể nhìn thấy bình thường. Việc ghi nhận được hình ảnh ở đáy sông góp phần xác định vị trí các hạng mục cầu bị chìm, vị trí sà lan để lực lượng cứu hộ đưa ra phương án trục vớt hiệu quả. Hình ảnh đáy sông có thể thấy được trong bán kính 200m”, kỹ sư Nguyễn Tân Sơn -Công ty CP Tư vấn thiết kế cảng kỹ thuật biển cho biết.
Liên quan đến sự cố trên, ngày 21/3, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, đơn vị này đã tiến hành điều chỉnh kế hoạch chạy tàu nhằm hạn chế thấp nhất những ảnh hưởng đến hành khách. Việc thay đổi lịch trình chạy tàu chủ yếu thực hiện đối với đoạn từ Nha Trang trở vào. Hành khách có nhu cầu đổi trả vé liên quan đến việc chuyển tải hành khách, thay đổi lịch trình sẽ không phải thanh toán phí đổi, trả. Đối với hành khách tiếp tục có nhu cầu đi lại bằng đường sắt, trong thời gian khắc phục sự cố không phải chi trả chi phí chuyển tải, các hoạt động bán vé và vận chuyển hành khách của đơn vị này vẫn diễn ra bình thường.
Đối với vận tải hàng hóa, ngành đường sắt tiếp tục tổ chức vận chuyển hành hóa từ các ga phía Bắc vào đến ga Bình Thuận và ngược lại. Hàng hóa tại khu vực phía Nam được tổ chức xếp dỡ tại các ga Long Khánh, Trảng Bom, Hố Nai.