Thực tế, Hà Nội được đánh giá là một trong những điểm đến an toàn, thân thiện hàng đầu thế giới. Đầu tháng 7, tạp chí Hello (Anh) đã xếp Hà Nội đứng đầu danh sách 7 điểm đến tốt nhất châu Á dành cho "Tây balô". Tuy nhiên, với gần 8 triệu dân từ khắp nơi đổ về, việc tồn tại những “con sâu làm rầu nồi canh” là khó tránh khỏi. Cùng với việc khách Tây bị chặt chém và bị trả tiền âm phủ, những sự vụ lừa đảo du khách được phát hiện, xử lý thời gian gần đây như: Tài xế taxi thu tiền cao gấp 10 lần giá cước thực tế; khách phải mua túi bánh rán giá 700 nghìn đồng; khách bị ép sửa giày giá 260 nghìn đồng; bị ép mua 1 gói tăm gán mác “từ thiện” với giá 500 nghìn đồng… đã và đang làm xấu đi bức tranh du lịch.Dù ngay sau đó, lực lượng chức năng đã nhanh chóng vào cuộc, với tinh thần trách nhiệm cao, thủ phạm thường lộ diện chỉ sau vài giờ đến vài ngày, nên tạo được ấn tượng mạnh với các du khách quốc tế. Song thiết nghĩ, dù có điều tra nhanh đến mấy cũng chỉ là "chạy theo" những sự cố đã rồi. Bởi lực lượng kiểm tra, xử lý mỏng, không thể bao quát hết các địa bàn. Trong khi, những đối tượng có hành vi lừa đảo thường đến từ các địa phương khác và hoạt động lén lút, trốn tránh sự kiểm tra của cơ quan chức năng. Và vì chế tài chưa đủ mạnh, lại không được giáo dục đến nơi đến chốn, nên dù đã bị xử phạt, một số kẻ vẫn “ngựa quen đường cũ”. Thực tế, đã có những trường hợp tài xế taxi bị bắt tới 2 lần vì thu tiền cao gấp 10 lần hiển thị trên đồng hồ.Bởi vậy về lâu dài, muốn làm trong sạch môi trường du lịch, xây dựng hình ảnh điểm đến an toàn, thân thiện, chất lượng, hấp dẫn, quan trọng nhất là phải thay đổi tư duy làm du lịch ăn xổi, chộp giật, ngắn hạn vẫn đang tồn tại trong một bộ phận người làm kinh doanh dịch vụ phục vụ du khách. Mặt khác, chế tài phải đủ mạnh và các cơ quan chức năng cần nâng cao trách nhiệm quản lý để đảm bảo môi trường du lịch văn minh, an toàn cho Thủ đô. Bởi, một điểm đến dù đẹp, hấp dẫn đến mức nào, chỉ cần một hành vi lừa đảo, phản cảm cũng đủ khiến các “thượng đế” quay lưng.