Vui buồn "Xôi lạc"

Ban Mai
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Không biết phải vui hay buồn khi giới mộ điệu đang phải dõi theo hành trình của U23 Việt Nam tại Asiad thông qua một kênh không chính thức trên mạng xã hội có tên “Xôi lạc TV”. Do VTV không nắm được bản quyền nên các mạng xã hội đã phải tường thuật trận đấu thông qua các trang mạng nước ngoài.

Tất nhiên, phải khẳng định một điều là việc tường thuật không có bản quyền các trận đấu bóng đá là hành vi không nên được khuyến khích. Nó xâm phạm bản quyền của đơn vị nắm giữ trên lãnh thổ Việt Nam. Nhưng, trên không gian ảo, rất khó để nói chuyện lý lẽ thiệt hơn, nhất là với giới mộ điệu đang khát khao theo dõi những trận cầu nảy lửa như lúc này. Vấn đề đặt ra là tại sao Việt Nam lại là quốc gia duy nhất tại châu Á không có bản quyền Asiad? Rất nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ quy mô dân số, tiềm lực kinh tế nhỏ hơn Việt Nam vẫn sở hữu bản quyền trong khi chúng ta coi bóng đá là niềm tự hào thì lại phải “xem lậu”.

VTV đã làm một chương trình rất dài để chuyển tải thông tin việc bản quyền truyền hình bóng đá đang tăng với tốc độ phi mã. Một số đài truyền hình đã phải đứng ra ngoài cuộc chơi World Cup, Champions League vì đắt đỏ hoặc thua lỗ. Điều này được kỳ vọng sẽ giúp nhà đài này giảm bớt áp lực từ công luận khi từ chối mua bản quyền Asiad vì đắt đỏ.

Các nhà đài coi việc mua bản quyền truyền hình là cơ hội kinh doanh. Điều đó đúng nhưng chưa đủ, việc lỗ lãi cần được tính đến, nhưng đó là câu chuyện liên quan đến những giải đấu nước ngoài, thậm chí cả World Cup, Euro hay Ngoại hạng Anh. Nhưng với Asiad, AFF Cup, SEA Games thì khác. Các giải đấu đó có đội tuyển thi đấu và người dân cần được dõi theo đội bóng của mình. Khi ấy, vấn đề phụng sự cần được ưu tiên số một chứ không hẳn là chuyện lỗ lãi trong kinh doanh.

Người dân cần được xem bóng đá, bởi đó không chỉ là chuyện thắng thua, mà còn là màu cờ sắc áo, là khát vọng vươn lên, là giấc mơ của hàng triệu người hâm mộ. Vậy nên, đừng cười nhạo khi hàng chục triệu CĐV phải xem bóng đá lậu khi nhà đài hàng ngày vẫn thu nhiều tỷ đồng từ quảng cáo ở những chương trình showbiz. Đã đến lúc, giới mộ điệu cần ở VTV câu trả lời là tại sao nhiều đài truyền hình chấp nhận lỗ phục vụ người dân? Bởi nếu không trả lời câu hỏi này, rất có thể những giải đấu tiếp theo người dân Việt Nam sẽ vẫn phải xem bóng đá lậu.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần