KTĐT - Bữa cơm chỉ có vài hạt lạc rang mặn chát muối, cơm vẫn còn sống sượng, khói củi nhuốm một màu vàng nhạt ở cơm trên nồi. Lẫn trong mùi cơm còn có cả mùi khói ngái nồng.
Con thuyền quân sự của quân khu 4 đưa chúng tôi lướt nhanh về phía Tùng Lộc, xã ngập sâu nhất của huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Giữa một biển nước trắng mênh mông, chốc chốc người trên thuyền lại nghe thấy những tiếng gọi thất thanh xin cứu trợ của người dân trong những căn nhà sấp nước.
Vui như... mỳ tôm về làng đói
Sau hơn 1 giờ đồng hồ xé nước, cuối cùng thuyền cứu trợ cũng tiếp cận được với rốn lũ Tùng Lộc. Ngồi trên cano, Chủ tịch Hội đồng nhân dân huyện Can Lộc, ông Trần Văn Bằng căng mắt nhìn xuống mặt nước ngầu đỏ. Dưới đó, chỉ dăm ngày trước, là những ruộng nương ngoài bãi của hàng trăm hộ dân, là mái chòi nhỏ, hàng cây xanh. Bây giờ, tất cả đã bị lũ dữ “ngoạm” vào lòng. Cũng bởi thế, đáy nước phía dưới cano trở nên “hung hiểm” hơn bao giờ hết. Chỉ cần đánh lái sai một chút, cả cano có thể mắc nguyên vào một ngọn cây và chết đứng.
Vị chủ tịch mắt vẫn không rời làn nước, miệng hướng dẫn sĩ quan lái tàu của quân khu khẽ khàng vượt lũ. Dọc bờ đê sấp nước cách thuyền chừng mấy chục mét, người dân thấy đoàn cứu trợ đã tập trung lại, cùng nhau vẫy gọi. Trong một lát, cả khúc sông lớn Ngàn Sâu ồn ào lên bởi đủ thứ âm thanh.
Thuyền vẫn chưa dám đánh lái vào bờ đê, dù chỉ còn cách vài sải tay với. Lúc này, mặt trời đã lên đứng bóng, nắng hầm hập thổi hơi nóng lên đầu người. Thế nhưng, trên mặt đê bỏng rát ấy, hàng chục con người, già có, trẻ có... đã đứng vẫy, tự biến mình thành những “cọc tiêu sống” để đoàn thuyền cứu trợ có thể nhận ra điểm đỗ an toàn.
Đứng từ xa, mặc dù chỉ nghe thấy tiếng gió ù ù, tiếng nước vỗ oàm oạp vào mạn cano, nhưng đoàn cứu trợ vẫn nhận ra đoạn đê ngắn trước mặt đã được người dân chuẩn bị sẵn để đón mình. Ngay lập tức, cả con thuyền chở hơn trăm thùng mỳ tôm, nước uống lừ đừ quay đầu vào bến.
Cả đoạn đê sông Ngàn Sâu đoạn qua xã Tùng Lộc rộn ràng hẳn lên bởi sau bao nhiêu đợi chờ, cuối cùng mỳ tôm cũng đã về được với làng đói.
Những thanh niên trai trẻ nhanh chóng trải bao bố dọc mặt đê ximăng ngay chỗ mũi thuyền để làm bãi chuyển hàng. Rồi họ bắc ván, chuyền tay nhau những thùng mỳ tôm xếp đầy bãi. Nắng vẫn chang chang, người làm mặt đỏ gay, mồ hôi đọng thành giọt lớn nhưng vẫn không ngơi tay.
Xung quanh, hàng chục người, đa phần là phụ nữ, người già, trẻ em vây quanh, bàn tán xôn xao về số mỳ tôm được chuyển đến. Ai cũng hy vọng được nhận được hàng cứu trợ.
Ấm lòng bữa ăn chạy lụt
10 phút sau, cả con thuyền chở nặng đồ ăn khô đã sạch không. Hơn 200 thùng mỳ tôm và hàng chục thùng nước sạch đã được tập kết lại trên thân đê mỏng. Người dân vẫn đứng vây quanh đoàn cứu trợ chờ được nhận lương thực.
Tuy nhiên, theo yêu cầu từ huyện ủy, chỉ có nước uống là sẽ được phát ngay, còn lại trực tiếp các xã đội trưởng, xóm trưởng của Tùng Lộc phải đứng ra để nhận hàng, phân chia lại cho người dân.
Ông Trần Văn Bằng khẳng định: “Rất khó để chúng tôi có thể nắm được hết hoàn cảnh của từng người của các xã. Vì vậy, việc phân hàng cứu trợ thế nào cho công bằng phải dựa hết vào xã.”
Chừng hơn 1 giờ sau, khá nhiều thuyền của các xóm trưởng, xã đội trưởng đã được huy động. Hàng cứu trợ nhanh chóng được chất đầy lên mình những con thuyền tôn nhỏ. Từ đó, cứ 2 thuyền một cặp, những thùng mỳ tôm được chia nhánh ra đi khắp rốn lũ Tùng Lộc.
Càng vào sâu lòng Tùng Lộc, nước càng lớn. Đến xóm 8, quá nửa người chúng tôi đã ngâm dưới nước. Hai thuyền hàng cứu trợ thì vẫn vùn vụt tiến lên. Dọc đường đi, trên những ngôi nhà ngập nước, người đứng người ngồi la liệt, mắt đăm đăm về phía thuyền hàng.
Căn nhà tạm bợ của ông Nguyễn Mạnh Tư nằm ngay đầu xóm vẫn ngập tới ngang hông nhà. Không còn gì để ăn, ruột gan ông lão đã cồn cào. Cứ ra khỏi cửa là thấy nước, dõi mắt nhìn khắp nơi cũng chỉ đục ngầu một màu nước đỏ.
Quẫn quá, lão đành vơ tạm mấy mảnh lưới trong nhà, đem thả ra ngoài vườn, giờ đã thành... cái ao. “Sáng nay may được mấy con rô phi về làm cho lũ nhỏ ăn đổi bữa,” ông Tư hớn hở.
Đến xóm Tài Năng, nơi đỉnh lũ của xã Tùng Lộc, chúng tôi gặp một gia đình đang kê vội 2 chiếc giường chồng lên nhau, trên thang giường có kê 4 hòn gạch bi để làm nơi nấu ăn tạm.
Chị Nguyễn Thị Hòa đang hì hụi thổi từng chùm khói bốc ra ở 4 thanh củi ướt nhoèn để có thể chuẩn bị có một bữa cơm vội trong ngày lũ lụt nhằm chống đói.
Phía sau, hai đứa trẻ đang chăm chú nhìn theo dáng mẹ, nồi cơm nghi ngút bốc hơi thơm mùi gạo làm chúng cứ không ngớt lời hỏi: “Cơm đã chín chưa hả mẹ?”
Bữa cơm chỉ có vài hạt lạc rang mặn chát muối, cơm vẫn còn sống sượng, khói củi nhuốm một màu vàng nhạt ở cơm trên nồi. Lẫn trong mùi cơm còn có cả mùi khói ngái nồng.
Có những nhà như gia đình em Nguyễn Văn Thắng (thôn Tài Năng) thậm chí còn không còn hạt thóc nào để ăn. Toàn bộ hơn chục tạ lúa đã bị “giam” dưới gần 3 mét nước. Mấy ngày nay, cả nhà em phải xin ăn nhờ những hộ còn lương thực hoặc ăn tạm cá để sống qua ngày.
Đáng quý nhất, từ trong lũ lớn, người Tùng Lộc nói riêng và người Can Lộc nói chung đã sẻ chia cho nhau những hạt cơm quý giá. Từng xóm hình thành những nồi cơm chung, từ đó cơm được đưa đi khắp làng.
Bữa cơm ngày lũ là bữa cơm chung của cả xóm làng. Dọc đường đi, chúng tôi thấy những người phụ nữ lội quá hông, tay giơ cao rổ cơm đến chia cho người khác. Chúng tôi cũng thấy, những mâm cơm hai ba gia đình cùng ăn vội, chỉ cơm trắng, muối trắng.
Quá trưa, những gói mỳ đầu tiên đã được phát về những hộ đói nhất. Bữa cơm mùa lũ lại được thêm một khẩu phần nữa cho ấm lòng người Tùng Lộc./.