Bà con nông dân ở “vựa hoa” huyện Mê Linh rất kỳ vọng vào năng suất cao, cùng sức mua của thị trường tăng, sẽ bù đắp lại yếu tố giá hoa thấp.
Cung dồi dào, giá hoa giảm
Vụ hoa Tết 2019, gia đình chị Nguyễn Thị Hoàn ở xã Đại Thịnh canh tác 3 sào hoa cúc. Năm nay, hoa cúc nở rộ, được “ăn” đúng dịp Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, do nguồn cung lớn nên giá bán chỉ bằng 1/3 so với năm trước.
Theo nhiều nông dân trồng hoa cúc tại các xã Mê Linh, Đại Thịnh, Tiền Phong, Văn Khê…, tổng mức đầu tư cho mỗi héc-ta hoa cúc khoảng 230 triệu đồng. Mỗi năm, bà con canh tác được 2 vụ hoa. Trong điều kiện thời tiết thuận lợi, giá cả không biến động lớn, lợi nhuận thu được có thể lên tới 650 triệu đồng/ha. So với canh tác lúa truyền thống, giá trị từ hoa cúc mang lại cao gấp gần 20 lần.
Sau Tết, hàng trăm héc-ta dọc Quốc lộ 23B qua huyện Mê Linh tiếp tục được phủ một màu tươi mới của hoa cúc. Bà con nông dân tích cực sản xuất vụ hoa mới. Chị Đỗ Thị Hạnh ở xã Đại Thịnh cho biết, tháng Giêng là mùa lễ hội nên sức tiêu thụ hoa cúc rất lớn. Dù vậy, như mọi năm, giá hoa cúc không quá cao, chỉ khoảng 1.000 – 1.500 đồng/bông. Chính vì vậy, bà con rất hy vọng thời tiết thuận lợi để hoa cúc cho năng suất cao, bù đắp cho yếu tố giá thu mua hoa thấp hiện nay.
Hoa xuất ngoại bị “ép giá”
Những năm gần đây, hoa cúc không chỉ được bà con nông dân huyện Mê Linh sản xuất nhằm đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn hướng tới xuất khẩu. Trung Quốc là thị trường chính yếu, chuyên nhập hoa cúc phục vụ cho Tết Thanh minh – một trong những lễ hội lớn và quan trọng bậc nhất ở quốc gia này.
Chị Nguyễn Thị Hạnh, một trong những hộ dân có mối hàng hoa xuất đi Trung Quốc cho biết: Hàng năm cứ vào Tết Thanh minh, thương lái khắp nơi lại đổ xô đi mua hoa cúc để bán sang Trung Quốc. Nắm bắt được nhu cầu đó, những năm gần đây, gia đình chị luôn dành khoảng 2 sào vụ hoa cúc sau Tết để xuất khẩu.
Mặc dù vậy, việc thu mua, xuất bán hoa sang thị trường Trung Quốc hoàn toàn tự phát và không phải lúc nào cũng thuận lợi. Xuất khẩu giúp tiêu thụ nhanh gọn số lượng hoa lớn mà không cần tốn nhiều công sức trực tiếp mang đi bán tại các chợ truyền thống, nhưng do thương lái thu mua hoa theo nhu cầu thị trường Trung Quốc, nên khi cần họ có thể trả giá rất cao. Ngược lại, khi lượng hàng hóa dư thừa, thương lái sẽ lập tức ngừng thu mua, hoặc ép giá hoa cúc xuống rất thấp.
Trưởng phòng Kinh tế huyện Mê Linh Phạm Thành Đô cho biết, tổng diện tích canh tác hoa cúc trên địa bàn huyện hiện vào khoảng 140ha. So với một số loại hoa khác như hoa ly, hoa hồng…, hoa cúc mang lại năng suất và giá trị ổn định hơn. Dù vậy, việc tiêu thụ hoa cúc hiện nay vẫn chủ yếu là tự phát. Địa phương chưa xây dựng được chuỗi liên kết trong sản xuất – tiêu thụ hoa nói chung, mà chỉ mới hỗ trợ bà con nông dân thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại...
Đối với việc xuất khẩu hoa cúc sang Trung Quốc, theo ông Đô, hiện số lượng vẫn còn ít. Bà con cũng tổ chức bán buôn nhỏ lẻ, tự phát mà không thông qua các cấp chính quyền. Do đó, địa phương gặp khó trong quản lý và kiểm soát giá. Dù vậy, ông Đô cũng cho rằng, xuất khẩu hoa sẽ là định hướng mà địa phương quan tâm, tập trung cải thiện trong thời gian tới nhằm nâng cao giá trị cho cây hoa Mê Linh.