Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vướng mắc tại Dự án hồ An Dương: Vận dụng chính sách có lợi nhất cho người dân

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 8/1, tại trụ sở Ban tiếp công dân của TP Hà Nội, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh P...

Kinhtedothi - Ngày 8/1, tại trụ sở Ban tiếp công dân của TP Hà Nội, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh đã chủ trì tiếp công dân để lắng nghe, giải quyết những vướng mắc của người dân liên quan đến dự án Khu nhà ở và văn phòng làm việc tại khu vực hồ An Dương (Dự án hồ An Dương), phường Yên Phụ, quận Tây Hồ, Hà Nội.

Lắng nghe nguyện vọng người dân

Dự án hồ An Dương được giao cho Công ty TNHH Xây dựng IDC triển khai từ năm 1990, bắt đầu giải phóng mặt bằng (GPMB) từ năm 1999. Tuy nhiên, do có khiếu nại của một số hộ dân, có thay đổi chính sách pháp luật về đê điều, xây dựng và những hạn chế về năng lực của chủ đầu tư khiến dự án kéo dài, đến nay mới thu hồi được 7.901m2, còn lại khoảng 6.069m2 đất chưa được GPMB. Thực trạng hiện nay một số diện tích mặt hồ đã san lấp hiện bị lấn chiếm, hạ tầng kỹ thuật chưa hoàn thiện dẫn đến khó khăn cho chủ đầu tư và sinh hoạt của người dân. Thời gian qua, 72 hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án này đã tập trung khiếu nại đông người.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Vũ Hồng Khanh phát biểu tại buổi tiếp dân. Ảnh: Đạt Lê
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Vũ Hồng Khanh phát biểu tại buổi tiếp dân. Ảnh: Đạt Lê
Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cùng Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh tiếp 6 công dân đại diện cho 72 hộ dân liên quan đến Dự án hồ An Dương. Trong không khí dân chủ, tôn trọng pháp luật, một trong những đại diện - ông Nguyễn Hải Đường trình bày về những thắc mắc, nguyện vọng chung của người dân. Theo đó, ông Đường nêu lên vụ việc khiếu nại diễn ra từ hơn 20 năm qua nhưng vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Trong dự án này có dấu hiệu vi phạm của tổ chức và cá nhân. Trong công tác GPMB, việc đền bù, xác minh về nguồn gốc đất của một số hộ dân chưa đúng, đã có nhiều đơn thư gửi các cấp chính quyền nhưng vẫn chưa được giải quyết?… Bà Đào Thị Ngọc Sâm (là 1 trong 72 hộ dân có đất nằm trong dự án) nêu thắc mắc và nguyện vọng của gia đình: “Đất của hộ gia đình tôi đã được phường xác nhận là đất ở ổn định từ những năm 1949 nhưng không hiểu sao khi GPMB lại không được đền bù và diện tích đất của gia đình bị đưa vào loại đất lấn chiếm?”. Khi trình bày, nêu ý kiến, bà Nguyễn Thị Lô (67 tuổi) mong muốn: Các cơ quan chức năng cần sớm giải quyết những vướng mắc của người dân tại Dự án hồ An Dương để gia đình bà cùng nhiều hộ dân được cấp sổ đỏ và như vậy người dân mới yên tâm.

Cũng tại buổi tiếp dân, ông Lê Quốc Khánh – Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng IDC (chủ đầu tư dự án) cho rằng, nguyên nhân chậm là do pháp luật điều chỉnh liên tục. Chủ đầu tư đề nghị trả lại cho công ty số tiền san lấp hồ (1,1 tỷ đồng).

Đáp lại những thắc mắc và nguyện vọng của cả 6 công dân, Tổng Thanh tra Chính phủ lưu ý các hộ dân và nêu lại ngắn gọn những vẫn đề chính, đó là: Trong quá trình triển khai dự án, những ai vi phạm thì phải thanh tra và phải xử lý; Hơn 6.000m2 đất chưa thu hồi thì phải có phương án giải quyết; Những quyền lợi của các hộ dân về tinh thần, vật chất trong quá trình GPMB phải đền bù, bồi thường thỏa đáng.

Làm rõ các căn cứ pháp lý

 Ông Nguyễn Anh Tuấn – Chủ tịch UBND quận Tây Hồ trình bày tóm tắt sơ qua quá trình triển khai Dự án hồ An Dương… Theo ông Tuấn, sau khi xem xét toàn bộ quá trình bồi thường, UBND quận đã có 4 văn bản đề nghị TP điều chỉnh tổng diện tích dự án và điều chỉnh thu hồi đất của dự án. Bản chất dự án khi đầu tư là xây dựng khu đô thị. Việc chậm tiến độ, thay đổi là do Luật Đê điều và đề nghị của chủ đầu tư sau khi điều chỉnh quy hoạch, người dân không đồng tình... Về vấn đề này, Tổng Thanh tra Chính Phủ Huỳnh Phong Tranh đặt ra những câu hỏi: Vậy, Dự án có triển khai nữa không? Khi có khiếu nại của người dân, dân không đồng ý, quận không làm được?

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh cho biết, UBND TP Hà Nội đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo giải quyết, giao nhiệm vụ cho các sở, ngành, chủ đầu tư thực hiện; ban hành nhiều văn bản chỉ đạo giải quyết khó khăn, vướng mắc trong công tác GPMB, tái định cư, điều chỉnh quy hoạch để tái định cư tại chỗ cho các hộ dân, áp dụng chính sách bồi thường, hỗ trợ chi tiết cho dự án cũng như tìm các phương án nhằm giải quyết dứt điểm vụ việc…

Về ý kiến có nhiều đơn thư khiếu nại gửi các cấp của TP nhưng dân không nhận được trả lời. Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội khẳng định: “Cơ quan chức năng đã nhiều lần có văn bản trả lời rõ ràng và UBND TP đã chấp thuận cho các hộ dân tái định cư tại chỗ, nhưng các hộ dân không đồng ý… Đối với dân, quan điểm của TP từ trước đến nay, bao giờ TP cũng vận dụng những gì đảm bảo quyền lợi cho người dân. Tất cả những chính sách gì tối đa có lợi cho dân, không trái với pháp luật thì TP sẽ thực hiện”.

Phát biểu sau khi nghe ý kiến các bên liên quan, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh kết luận: Đây là dự án với mục đích phát triển cơ sở hạ tầng, chỉnh trang đô thị. Trình tự thủ tục lập dự án, quy hoạch đúng quy định pháp luật; quá trình thu hồi đất, GPMB, chi trả tiền đền bù đúng quy định pháp luật. Do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, vụ việc gây nhiều ảnh hưởng đến đời sống người dân, việc thực hiện dự án của chủ đầu tư, gây lãng phí đất đai. Khi xảy ra các vướng mắc, tồn đọng, khiếu nại kéo dài, UBND TP Hà Nội đã có nhiều chủ trương nhằm giải quyết dứt điểm vụ việc.

Về phương hướng giải quyết vụ việc, Tổng Thanh tra Chính phủ kết luận với diện tích đã GPMB (7.901m2), tiếp tục thực hiện dự án theo đúng quy định của pháp luật. Đối với diện tích còn lại chưa GPMB (khoảng 6.069m2) ảnh hưởng đến 72 hộ dân, UBND TP Hà Nội xem xét, đề nghị Chính phủ điều chỉnh quy hoạch, thu hẹp diện tích mặt bằng thực hiện dự án và tiếp tục thực hiện việc công nhận quyền sử dụng đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân đang sử dụng.

Thanh tra Chính phủ sẽ phối hợp chặt chẽ với UBND TP Hà Nội và theo dõi sát sao việc giải quyết vụ việc. Trong quá trình kiểm tra, rà soát vụ việc, nếu phát hiện có vi phạm pháp luật, Thanh tra Chính phủ sẽ tổ chức thanh tra theo đúng quy định của pháp luật. Tổng Thanh tra Chính phủ đề nghị hoàn thành việc giải quyết vướng mắc, tồn đọng trong quý II/2016.